Phải bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá

Ngày 29-1, Đại hội XIII tiếp tục các nội dung về công tác nhân sự. Theo ghi nhận của phóng viên, các đại biểu bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần đổi mới trong công tác cán bộ được nêu trong dự thảo văn kiện trình Đại hội. 

Đặc biệt là cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây được coi như “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ được giao.  

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí Thư Tỉnh ủy Yên Bái: Lựa chọn những đồng chí tiêu biểu nhất

Phải bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá ảnh 1

Trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của đất nước cũng cần những cán bộ có yếu tố “6 dám” đó. Đặc biệt là phẩm chất dám đương đầu, dám đổi mới càng cần thiết trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay. Vì lẽ đó, chúng tôi là lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương. Cán bộ lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương và đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương đã chuẩn bị một danh sách nhân sự để giới thiệu ra Đại hội, chắc chắn đó là những đồng chí rất tiêu biểu. Nhiệm vụ của các đại biểu là lựa chọn, bầu ra những đồng chí tiêu biểu nhất trong những đồng chí đó, có đủ phẩm chất, năng lực để tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để lãnh đạo Đảng, đất nước trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Phải đánh giá sát cán bộ

Phải bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá ảnh 2

Trong tiến trình đổi mới không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Vì vậy, Đại hội XIII đã đặt vấn đề này và đưa vào dự thảo Nghị quyết. Để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ.

Hiện nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo có quy chế về vấn đề này, chắc chắn tới đây sẽ được thông qua. Tôi cũng cho rằng việc này phải đánh giá cho sát. Tức cán bộ nào dám làm, dám nói, dám nghĩ vì lợi ích chung thì chúng ta phải bảo vệ; còn dám mà lại làm sai, đi ngược lại điều lệ là không được.

Đồng chí Trần Trung Nhân-Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai: Khắc phục tâm lý sợ sai

Phải bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá ảnh 3

Trước đây chúng ta thường nghe “3 dám”, đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, và quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt, là dám đương đầu, dám đột phá. Đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.

Trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình, nên Báo cáo Chính trị lần này đặt ra 6 dám là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý e dè, sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Một bài học được rút ra đó là trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc cần phát huy dân chủ, xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ.

Đồng chí Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Khuyến khích sự đột phá, sáng tạo của cán bộ 

Phải bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám đột phá ảnh 4

Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được nêu trong văn kiện trình Đại hội XIII là vấn đề rất quan trọng. Cũng như nhiều đại biểu, tôi mong Trung ương sẽ sớm ban hành quy chế bảo vệ cán bộ “6 dám”. Nếu hoàn thiện được cơ chế này, chúng ta sẽ khuyến khích và phát huy được sự đột phá, sáng tạo của cán bộ vì sự nghiệp chung. 

Thực tế trong thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển, chúng ta thấy rằng, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn tìm ra phương thức mới để phát triển thì chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Do đó, cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục