Ngày 9-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc gặp với các chuyên gia, nhà khoa học để lấy ý kiến về chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện CT, SGK GDPT mới, chuẩn bị đến thời điểm Bộ GD-ĐT phải công bố Chương trình GDPT tổng thể. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là một khâu rất quan trọng trong đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT cần thực hiện thận trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các luồng ý kiến. Dù đã sắp đến thời điểm công bố song vẫn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan tổ chức, cá nhân… tiếp tục có đóng góp tâm huyết và mong muốn được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. “Đổi mới là quá trình cọ xát rất nhiều luồng ý kiến và không thể làm hài lòng hết tất cả nhưng Bộ GD-ĐT phải tiếp thu một cách cầu thị, theo sát các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK. Chương trình phải kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, không sao chép nguyên xi mô hình bên ngoài mà phải đúng xu thế quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tại buổi gặp, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận về một số vấn đề lớn về cách tiếp cận, mục tiêu Chương trình hướng tới; thời lượng học tập để giảm tải cho học sinh; vấn đề dạy học tích hợp; định hướng bồi dưỡng, đào tạo giáo viên… Nhiều chuyên gia vẫn lo ngại vấn đề tích hợp. GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ lo ngại về mục tiêu dạy tích hợp một số môn trong Chương trình (ở bậc tiểu học và THCS), nhất là khó đào tạo kịp đội ngũ giáo viên. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết dạy tích hợp được đặt vấn đề ngay từ khi triển khai Chương trình GDPT mới năm 2002. Tuy nhiên, sau đó phải gác lại vì một trong những lo ngại là không kịp đào tạo giáo viên. “Đến nay sau 16 năm việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp vẫn chưa có gì”, ông Nguyễn Vinh Hiển nói. Nhiều ý kiến cho rằng, tích hợp là một xu thế phải theo nhưng trong điều kiện của Việt Nam thì cần xem xét mức độ tích hợp đến đâu. Trong đó cần hết sức lưu ý đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ… để phục vụ hiệu quả cho dạy tích hợp.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, xây dựng Chương trình GDPT tổng thể là công việc trọng tâm của ngành, có công sức của tập thể các nhà khoa học, chuyên gia từ 5-6 năm nay. Chương trình đã tiếp thu hàng ngàn ý kiến từ các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, nhân dân… Các công việc tiếp theo như biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất… đang được Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện song song chứ không chờ xong Chương trình mới triển khai tiếp. Trong quá trình này Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục lắng nghe các ý kiến tâm huyết.
Qua ý kiến các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tiếp thu và khi công bố Chương trình GDPT tổng thể phải làm rõ với 2 nguyên tắc lớn. Thứ nhất, Chương trình đổi mới lần này mang tính mở, khơi dậy sáng tạo, tự chủ của địa phương, nhà trường, giáo viên và thường xuyên được cập nhật. Thứ hai là sau khi công bố Chương trình, khi triển khai biên soạn SGK, tài liệu học tập cần phát động đồng thời phong trào giáo viên biên soạn bài giảng theo Chương trình mới. Đồng thời, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học và Ban Phát triển Chương trình để tiếp tục góp ý, điều chỉnh, bổ sung. Bộ GD-ĐT bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất theo lộ trình, phải làm tốt công tác tư tưởng cho thầy cô giáo.