Tư vấn pháp luật

Phải thanh toán các khoản sau 7 ngày chấm dứt hợp đồng lao động

- Hỏi:

- Hỏi: Tôi làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn tại Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam (Chi nhánh phía Nam) và đến tháng 6-2009 thì thôi việc theo đúng luật lao động. Tại biên bản hòa giải giữa tôi và cơ quan đã thỏa thuận chậm nhất đến hết tháng 8-2009, cơ quan phải trả số tiền nhuận bút còn nợ (3,7 triệu đồng) và đến ngày 30-12-2009 trả trợ cấp thôi việc (trên 19,3 triệu đồng), kèm các khoản lương và khoản hoa hồng không xác định thời gian cho tôi. Bên cạnh đó, do cơ quan không đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) nên không thể chốt sổ BHXH. Đến nay, đã quá thời hạn thỏa thuận 1 năm nhưng cơ quan vẫn chưa giải quyết quyền lợi chính đáng cho tôi và tôi cũng chưa nhận được sổ BHXH. Vậy tôi phải làm gì?

Nguyễn Văn Khanh

>> Đáp: Theo quy định của pháp luật lao động, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại sổ lao động cho người lao động (Điều 43 Bộ luật Lao động) và phải trả sổ BHXH cho người lao động khi người đó không còn làm việc (Điều 18.1.c Luật Bảo hiểm xã hội).

Trường hợp người sử dụng không trả lại sổ lao động cho người lao động trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi chấm dứt HĐLĐ, không đóng BHXH, không trả sổ BHXH đúng hạn cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật lao động và BHXH và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 114/2003/NĐ-CP (Điều 21.1.c) hoặc 47/2010/NĐ-CP (Điều 17.1.b - kể từ sau ngày 25-6-2010) và 135/2007/NĐ-CP (Điều 10 và Điều 21).

Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan BHXH, giữa người sử dụng lao động với cơ quan BHXH do hai bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì do Tòa án nhân dân giải quyết. (Điều 151 Bộ luật Lao động).

Như vậy, căn cứ vào biên bản hòa giải ngày 23-7-2009 giữa ông và cơ quan Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam (Chi nhánh phía Nam), ông có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận nơi có trụ sở cơ quan, với yêu cầu đòi cơ quan phải trả các khoản tiền còn nợ như nêu trên và các yêu cầu liên quan đến BHXH. Cần lưu ý là thời hiệu khởi kiện 1 năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm.

LS Nghiêm Xuân Lý

Tin cùng chuyên mục