Phân biệt rõ để ứng xử phù hợp

Theo các chuyên gia, mặc dù có sự giao thoa, nhưng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp về quản lý nhà nước.

Phân biệt rõ để ứng xử phù hợp

Hiện nay, cả nước có 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai đề án về phát triển hệ sinh thái ĐMST; 39 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST)...

Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh cho rằng, thời gian qua, nhiều khái niệm về ĐMST, khởi nghiệp ĐMST sử dụng chưa thống nhất dẫn tới chưa đồng bộ hoặc hiểu sai bản chất trong công tác quản lý điều hành, xây dựng chính sách; còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái KNST như quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KNST, khuyến khích các chương trình đào tạo ĐMST trong trường học.

Chưa hết, các chính sách còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường. Chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp vẫn còn thiếu.

Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết; hoạt động đào tạo, tập huấn cho nhân lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn mang tính hình thức...

Theo các chuyên gia, mặc dù có sự giao thoa, nhưng ĐMST và KNST là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp về quản lý nhà nước.

ĐMST được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể. ĐMST không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ phổ biến kinh nghiệm, kiến thức của người dân, nhưng không thể tách rời KH-CN. Đối tượng chính để thực hiện ĐMST là doanh nghiệp, doanh nhân.

Còn KNST tập trung vào hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới nhưng chưa có hoạt động sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường. KNST có thể do nhóm, cá nhân hoặc có thể thực hiện dưới “vỏ mượn” của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Hiện nay, KNST đang được “gửi gắm” vào cộng đồng SME, dẫn đến “hiểu nhầm” khởi nghiệp là SME với các ứng xử chưa phù hợp. Do đó, cần có khung khổ pháp lý riêng cho KNST, đồng thời cần có các tổ chức trung gian để gắn kết KNST với doanh nghiệp cũng như với các nhân tố khác của hệ sinh thái KNST.

Tin cùng chuyên mục