Phân bổ hợp lý số đại biểu là người ngoài Đảng, người tự ứng cử ​

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố toàn văn trong ngày 4-3 theo đúng quy định của Luật.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành Phiên họp thứ 3
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành Phiên họp thứ 3

Chiều 3-3, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành Phiên họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố toàn văn trong ngày 4-3 theo đúng quy định của Luật.

Trước đó, trình bày Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy cho biết, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu Quốc hội của Khóa XIV; tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có ít nhất trên 35% trên tổng số người ứng cử và quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số được ứng cử đại biểu Quốc hội...

Ở địa phương, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là 1.076 người (gồm cả Trung ương và địa phương), đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu nhưng tỷ lệ này không đồng đều giữa các tỉnh.

Về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu, đạt tỷ lệ 2,06 lần trên tổng số đại biểu được bầu, nhiều nơi tỷ lệ cao nhưng một số nơi, tỷ lệ này còn thấp.

Về cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử, theo ông Trần Văn Túy, phụ nữ có 1.690 người, chiếm tỷ lệ 22,1%; người dân tộc thiểu số có 748 người, chiếm tỷ lệ 9,8%; người trẻ tuổi có 814 người, chiếm tỷ lệ 10,6%; người ngoài Đảng có 555 người, chiếm tỷ lệ 7,2%; dự kiến người tự ứng cử có 20 người.

Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226/NQ - UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Ông Trần Văn Tuý nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

“Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, thời hạn là ngày 11-3 tới. Trên cơ sở kết quả điều chỉnh sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, hầu hết Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố  đã có văn bản thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan, tổ chức địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đồng thời báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia”, Trưởng ban Công tác đại biểu thông tin.

Cũng tại phiên họp, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nêu tóm tắt các công việc đã thực hiện từ sau phiên họp thứ hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia đến nay, và một số mốc thời gian quan trọng để hoàn thành từng bước quy trình bầu cử trong thời gian tới, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố toàn văn trong ngày 4-3 theo đúng quy định của Luật.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rà soát lại các công việc theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công; khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác bầu cử; đôn đốc chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ, chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và báo cáo công việc thường xuyên về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có công văn thông báo gửi đến tất cả các cơ quan Trung ương và địa phương để đôn đốc tiến độ công việc.

Tin cùng chuyên mục