Ngày 12-10, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã chủ trì cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hương Bình, huyện miền núi Hương Khê về việc thực hiện chủ trương sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Hòa Hải và Trường THCS Phúc Đồng.
Tại cuộc đối thoại, có 15 ý kiến của người dân và phụ huynh đại diện cho hàng trăm người dân ở xã Hương Bình đã thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng được giữ lại Trường THCS Hương Bình. Các ý kiến nêu rõ, việc giải thể và sau khi sáp nhập, con em ở xã Hương Bình phải đi học xa, đường đi khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và đuối nước trong mùa mưa lũ (vì từ xã Hương Bình đến Trường THCS Hòa Hải thường bị ngập lũ, còn chuyển đến Trường THCS Phúc Đồng phải đi qua đường Hồ Chí Minh tiềm ẩn tai nạn giao thông, không an toàn)...
Nhiều ý kiến cho rằng, Trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ, chủ trương sáp nhập trường là đúng nhưng triển khai vội vàng, chưa bàn bạc kỹ nên chưa được đa số nhân dân đồng tình, cơ sở vật chất các điểm trường mới sáp nhập liệu có đủ điều kiện học tập...
Người dân bày tỏ nguyện vọng giữ lại Trường THCS Hương Bình với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Ông Bùi Xuân Đường (ở thôn Bình Trung, có con học lớp 6) phản ánh: “Việc sáp nhập trường, người dân không được bàn bạc, không đồng thuận. Người dân muốn gặp cán bộ xã để trình bày tâm tư, nguyện vọng rất khó khăn. Việc lựa chọn địa điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em đến trường. Hàng ngày phải đưa con đi học một quãng đường xa mất nhiều thời gian, phụ huynh không còn thời gian để chăm lo sản xuất…”.
Còn ông Dương Danh Phong (ở thôn Bình Trung) bức xúc: “Nếu sáp nhập trường, học sinh phải đến học ở Trường THCS Hòa Hải, thì một em học sinh lớp 6, lớp 7 phải đạp xe tới 12km (cả đi và về là 24km) ảnh hưởng tới việc học, sức khỏe. Nếu đến Trường THCS Phúc Đồng (cách khoảng 4km) lại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn. Muốn yên tâm, người lớn phải đưa con đi đón con về, rất mất thời gian, ảnh hưởng tới năng suất lao động, trong khi người dân chủ yếu làm ruộng…”.
Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng những khó khăn mà học sinh xã Hương Bình gặp phải sẽ được khắc phục. Về mùa mưa lũ, tùy tình hình sẽ cho các em học sinh nghỉ học. Hiện tỉnh đang triển khai thi công đường vượt lũ từ Hương Bình đến Hòa Hải để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách và nhất là không phải đi qua đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, trung ương, tỉnh và huyện Hương Khê cũng đã có các chính sách ưu đãi đối với học sinh ở Hương Bình, như: miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhà ở nội trú, hỗ trợ gạo, xe đạp…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các ý kiến, nguyện vọng của bà con là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc sáp nhập trường là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế tại các trường, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, còn điểm nào chưa phù hợp, chưa thấu đáo, cấp ủy chính quyền cần phải khắc phục, sửa chữa…
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cũng đề nghị bà con, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên trong toàn xã Hương Bình bằng hành động cụ thể của mình, tiếp tục tuyên truyền, vận động đưa con em đến trường, đừng để con em thất học và cùng chung tay xây dựng Hương Bình ngày càng phát triển…
Sau khi nghe giải thích từ các lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Hương Khê và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều người dân xã Hương Bình vẫn thở dài “lắc đầu”, chưa thể đồng tình mà tiếp tục giữ quyết tâm không cho con đi học để phản đối việc sáp nhập trường và đã có một số người dân bỏ về khi cuộc đối thoại chưa kết thúc.
Như Báo SGGP trước đó đã liên tiếp có 2 bài viết phản ánh “Hàng trăm học sinh vẫn chưa được đến trường”. Từ tháng 8-2014, do không đồng tình với chủ trương sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Hòa Hải và Trường THCS Phúc Đồng, nhiều phụ huynh ở xã Hương Bình đã dựng lán hàng rào tụ tập trước cổng trường để phản đối. Không dừng lại ở đó, phụ huynh còn tiếp tục gây sức ép lên chính quyền địa phương bằng việc kiên quyết không cho con em từ bậc Mầm non, Tiểu học, THCS được đến trường học.
Đến chiều 12-10, mặc dù chính quyền các cấp, nhà trường, các hội phụ nữ, nông dân… đã nỗ lực trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền thuyết phục, khuyên giải nhiều lần, đồng thời đưa ra nhiều sự hỗ trợ, nhưng vẫn còn 575/717 học sinh các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS ở xã Hương Bình đang phải nghỉ học do phụ huynh ngăn cấm đến lớp.
DƯƠNG QUANG