Đến nay, đã qua gần 10 tháng thực thi Nghị định 27/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc nhà. Thế nhưng, cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của mình để thực thi đúng quy định pháp luật.
Nhu cầu lao động giúp việc nhà ở các thành thị trong nước ngày càng tăng, thu hút một lực lượng lao động (chủ yếu là nữ) khá đông đảo từ nông thôn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn chưa coi giúp việc nhà là một nghề thực sự. Người lao động giúp việc nhà vẫn ưng thì làm, không ưng thì nghỉ, chỉ coi đây là công việc tạm thời, chứ không gắn bó lâu dài nên không coi trọng việc ký hợp đồng lao động hay hưởng bảo hiểm xã hội. Còn người sử dụng lao động cũng chưa rõ nghĩa vụ của mình đối với người lao động giúp việc nhà.
Theo Nghị định 27/2014/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc nhà. Trả lương theo thỏa thuận, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Người lao động giúp việc nhà được nghỉ ngơi ít nhất 8 tiếng/ngày, nghỉ liên lục 6 tiếng/ngày, mỗi tháng được nghỉ ít nhất 4 ngày, làm liên tục 12 tháng thì được nghỉ 12 ngày được hưởng nguyên lương. Làm thêm giờ ngày thường được hưởng 150% lương theo giờ; làm ngày nghỉ hàng tuần được hưởng 200% lương theo ngày; làm ngày lễ tết được hưởng 300% lương theo ngày. Người lao động giúp việc nhà được đóng BHYT, BHXH, được đảm bảo ăn ở trong môi trường sạch sẽ và được phụ cấp học văn hóa, tàu xe đi lại... Nếu tính đủ các chế độ như vậy cho người giúp việc nhà thì nhiều gia đình không kham nổi, nên họ cố tình lờ đi quy định này.
Theo luật sư Phạm Văn Quý (Văn phòng luật sư Quý Sự), ở nhiều nước trên thế giới, nghề giúp việc nhà từ lâu đã trở thành một nghề được pháp luật và xã hội công nhận. Người lao động phải được đào tạo bài bản trước khi giới thiệu cho các gia đình, do đó, luật pháp áp dụng cũng dễ hơn. Còn ở Việt Nam, người lao động giúp việc nhà chủ yếu là phụ nữ nông thôn, ít hiểu biết, lên thành thị tìm việc làm mà không được đào tạo nghề. Người sử dụng lao động khi cần tìm người giúp việc nhà thì treo biển cần người, hay tìm tới các trung tâm môi giới không uy tín nên rủi ro cao, khó tìm được người giúp việc nhà tin cậy, lâu dài. Do đó, có quy định pháp luật cho loại hình lao động này là rất cần thiết, nhưng cần lộ trình lâu dài. Nên hướng đến việc quy định người lao động giúp việc nhà phải đăng ký tìm việc ở các tổ chức cung ứng lao động có pháp lý; các tổ chức này phải có nhiệm vụ xác minh lý lịch, đào tạo nghề cho người lao động trước khi cung ứng lao động giúp việc nhà cho các gia đình. Cũng cần quy định khung tiền lương cho lao động giúp việc nhà rõ ràng, căn cứ tính chất công việc đảm nhận.
Nghị định 27/2014/NĐ-CP có quy định trách nhiệm của từng cấp chính quyền, thế nhưng khi được hỏi về việc thực hiện trách nhiệm tư vấn ký hợp đồng cho người giúp việc nhà, cán bộ chính quyền nhiều nơi vẫn chưa rành rẽ. Để quy định pháp luật về lao động giúp việc nhà đi vào đời sống xã hội, chính quyền cấp phường - xã cần quan tâm thực thi vai trò nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, khảo sát, đôn đốc các hộ có thuê người giúp việc nhà thực hiện việc ký hợp đồng lao động với người giúp việc nhà.
BẢO HÂN