Phúc thẩm vụ Công ty Địa ốc Gò Môn: Nhận hối lộ qua tay vợ bé?

Sáng qua, 5-7, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ mua bán đất trái phép xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (nay là Công ty Địa ốc Gò Môn). Phần thẩm vấn của Thẩm phán Huỳnh Lập Thành – chủ tọa phiên tòa, cho thấy nhiều chi tiết khá quan trọng đã không được HĐXX cấp sơ thẩm làm rõ.

Theo án sơ thẩm, Phạm Thị Tuyết Lan là đối tượng chủ mưu, trực tiếp cấu kết với các bị cáo khác nguyên là cán bộ có chức vụ, quyền hạn để chuyển nhượng trái pháp luật hai lô đất tổng diện tích 110.700m2 tại phường 12 quận Gò Vấp. Số đất này bị cáo Lan thu gom từ người dân với giá 100.000 – 140.000 đồng/m2, nhưng đã nâng giá lên để bán cho Công ty Xây dựng Gò Vấp (CTXDGV) với giá 280.000 – 290.000 đồng/m2, qua đó chiếm đoạt của công ty hơn 16,6 tỷ đồng (riêng bị cáo Lan chiếm hưởng hơn 11 tỷ đồng).

Mặc dù biết rõ việc nhận chuyển nhượng đất với bị cáo Lan là trái pháp luật nhưng Lê Minh Châu – nguyên Giám đốc CTXDGV – vẫn đồng ý ký hai hợp đồng mua đất với bị cáo Lan và được Lan chia cho hơn 1,6 tỷ đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Châu khai tuy biết hai khu đất của Lan chưa có đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn mua vì Trần Kim Long – nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp nhiều lần gọi điện thoại kêu mua, còn Dương Công Hiệp – nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp thì hứa hướng dẫn các thủ tục để mua.

Quá trình thẩm vấn đã hé lộ nhiều chi tiết chưa được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm dù đã có trong tài liệu điều tra. Đáng chú ý nhất là lời khai của Dương Công Hiệp. Tại cơ quan điều tra, Hiệp khai rằng vào năm 2002, khi vụ việc bị bại lộ và VKSND quận Gò Vấp tiến hành xác minh, Lan nhờ Hiệp dẫn đến nhà Nguyễn Văn Tính – nguyên Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp.

Trong cuộc gặp này, Tính hứa sẽ giúp và cho số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của một phụ nữ ở quận Phú Nhuận, kêu Lan đến đó thăm. Khi đến đấy, Lan gọi điện thoại cho Tính và bị Tính yêu cầu đưa cho người phụ nữ này 10.000 USD. Kết quả là VKSND quận Gò Vấp không mời Lan lên làm việc nữa. Theo lời Hiệp khai, người phụ nữ đó là vợ bé của Tính. Ngoài ra, Hiệp còn khai, trong một lần cùng Long và Tính đi Đà Lạt “đổi gió”, Châu bị lên tăng-xông phải vào bệnh viện cấp cứu vì nghe Tính kêu chuẩn bị 1,4 tỷ đồng để Tính hợp thức hóa căn nhà ở Gò Vấp.

Trả lời thẩm vấn về nguồn gốc số tiền 3 tỷ đồng được Lan chia cho, Hiệp khai rành rọt: Bị cáo góp 2,8 tỷ đồng mua 2,2 ha đất cùng với bị cáo Lan. Khi Lan bán số đất này cho CTXDGV lời 130.000 đồng/m2, nhân với diện tích 2,2 ha thành ra lời hơn 2,8 tỷ đồng nên Lan đưa luôn 3 tỷ cho tròn. Chủ tọa phiên tòa truy: “Bị cáo hùn vốn kiểu gì mà tiền lời lãnh hết, bị cáo Lan không được đồng nào? Chưa kể tại cơ quan điều tra, bị cáo khai đây là số tiền lời từ hai hợp đồng mua bán đất (diện tích hơn 11 ha) với CTXDGV – mâu thuẫn với diện tích 2,2 ha vừa khai. Thực chất đây là số tiền% từ việc mua bán đất trái phép mà bị cáo Lan chia cho bị cáo”. Chủ tọa cho rằng đây cũng là một vấn đề mà tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ.

Hôm nay 6-7, phiên tòa tiếp tục.

Các bị cáo kháng cáo: Phạm Thị Tuyết Lan bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình, Dương Công Hiệp bị tuyên 18 năm tù giam cùng về tội “Tham ô tài sản”; Lê Minh Châu bị tuyên 22 năm tù, Hồ Tùng Lâm (nguyên Quyền Giám đốc CTXDGV) 18 năm tù về hai tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”; Trần Kim Long 25 năm tù giam về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; Nguyễn Văn Tính 11 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.


ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục