Phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi. Phát hiện này tiếp tục cho thấy sự khó lường của loại virus gây dịch Covid-19 và không thể lơ là, chủ quan trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh.
Cảnh sát Pháp yêu cầu người dân thực hiện lệnh giới nghiêm
Cảnh sát Pháp yêu cầu người dân thực hiện lệnh giới nghiêm

Giai đoạn nghiêm trọng nhất

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, biến thể này có trong 4 người, gồm 2 người lớn và 2 trẻ em. Cụ thể, người đàn ông khi đến Nhật Bản không có triệu chứng nhưng sau đó phải nhập viện vì khó thở; người phụ nữ có biểu hiện đau đầu; bé trai bị sốt; bé gái không có triệu chứng. Những người này đến Nhật Bản từ Brazil, nhập cảnh tại sân bay Haneda ngày 2-1 và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại sân bay. Dù có cấu trúc gần giống với biến thể đã phát hiện tại Anh và Nam Phi, song có một số điểm khác đã được phát hiện trong biến thể này. Hiện cơ quan y tế Nhật Bản vẫn chưa xác định được khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới đang chứng kiến sự tăng vọt về số ca lây nhiễm và tử vong vì Covid-19. Cơ quan y tế Nhật Bản cho biết, chỉ trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 7.790 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 827 ca nghiêm trọng và thêm 59 ca tử vong. Đáng chú ý, Nhật Bản có thêm 1.000 ca tử vong chỉ trong 18 ngày từ khi “làn sóng thứ ba” bùng phát, con số lớn hơn rất nhiều lần so với giai đoạn đầu là 158 ngày.

Tại châu Âu, hàng loạt dấu hiệu ở nhiều nước cho thấy dịch Covid-19 đang bùng phát, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Đức phát hiện hơn 17.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ khiến Thủ tướng nước này Angela Merkel cảnh báo đại dịch sẽ bước vào giai đoạn “nghiêm trọng nhất” trong những tuần tới. Tại Pháp, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vượt quá 20.000 người/ngày, trong 3 ngày liên tiếp, buộc Chính phủ Pháp phải ra quyết định giới nghiêm sớm hơn 2 giờ (từ 18 giờ) tại 8 tỉnh từ tối 10-1. Sau một thời gian theo đuổi phương pháp miễn dịch cộng đồng không thành, Thụy Điển đã ban hành luật cho phép siết chặt các biện pháp phòng dịch, tại một số khu vực. Mỹ hiện vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với gần 23 triệu ca nhiễm và 383.242 ca tử vong do Covid-19…

Tiêm phòng cả ngày lẫn đêm

Trước những diễn biến đáng lo ngại trên, giới chuyên ngành cảnh báo chính phủ các quốc gia trên thế giới không chủ quan và kêu gọi tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch cũng như đẩy mạnh tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Trong ngày 11-1, Pháp tiếp nhận hơn 50.000 liều vaccine của hãng dược phẩm Moderna, vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, để sử dụng trong tuần tiếp theo tại các vùng miền Đông và Đông Nam nước này. Tại Anh, bắt đầu từ ngày 11-1, 7 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn sẽ được mở cửa nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm vaccine tại đảo quốc sương mù, trong đó có mục tiêu đến giữa tháng 2 tới tất cả những người dễ bị tổn thương đều được chủng ngừa. Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã yêu cầu lên phương án tiêm phòng cho người dân cả ngày lẫn đêm. Đến nay đã có 72% người trên 60 tuổi ở Israel đã được tiêm ngừa Covid-19.

Trong bối cảnh dịch lây lan nhanh, Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định mở rộng việc sử dụng thuốc kháng virus remdesivir cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng không quá nặng. Tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo không dùng remdesivir cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết các hướng dẫn của WHO không ảnh hưởng đến việc đánh giá thuốc của cơ quan này.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo từ ngày 14-1, nhóm 10 nhà khoa học của WHO sẽ đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia của WHO sẽ phải cách ly trong 2 tuần, rồi sẽ đến TP Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, nơi virus nguy hiểm trên lần đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm 2019.

Tin cùng chuyên mục