Phát huy “quyền lực mềm” của người tiêu dùng

Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối và chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 830 - 840 tỷ m³. Tuy nhiên, có đến hơn 60% lượng nước bắt nguồn từ nước ngoài. Riêng 40% lượng nước phát sinh trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng vì nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt.
Chung tay bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. Ảnh: PHAN LÊ
Chung tay bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. Ảnh: PHAN LÊ
Cấp thiết bảo vệ nguồn nước sạch

Theo Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có khoảng 310 - 320 tỷ m³ được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn nước này phân bổ không đồng đều tại các vùng miền, cộng với tình trạng thời tiết khắc nghiệt trong những năm qua khiến nguồn nước sản sinh ngày càng suy giảm. 

Không chỉ vậy, sự gia tăng hoạt động sản xuất cũng khiến nguồn nước ngọt sạch vốn đang cạn kiệt lại càng khan hiếm hơn, do bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 80,6 tỷ m³ nước, gần 82% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc được sử dụng cho việc tưới tiêu, 11% nuôi trồng thủy sản, 5% phục vụ công nghiệp, 3% nông nghiệp và 3% cho đô thị. Phần lớn nguồn nước sau sử dụng không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua nhưng chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung, các khu dân cư hình thành đông nhưng thiếu hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, đã khiến nguồn nước mặt hệ thống kênh rạch của các tỉnh này ô nhiễm nghiêm trọng. Khu vực kênh Ba Bò giáp ranh địa bàn TPHCM là điển hình điểm nóng ô nhiễm nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Riêng tại TPHCM, dù đã nỗ lực đầu tư cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị, nhưng đến nay lượng nước xử lý chỉ đạt hơn 20% trong tổng khối lượng nước thải trên dưới gần 2 triệu m³/ngày đêm. Còn với TP Hà Nội, vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt hiện vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể để đầu tư xử lý…

Thực tế trên đã và đang dẫn đến những nguy hại không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường mà còn cả sức khỏe cộng đồng dân cư. Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có gần 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp phát hiện căn bệnh ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Cần đồng bộ giải pháp 

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chấp hành quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Tổng cục Bảo vệ môi trường đã tổ chức thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 439 cơ sở trên địa bàn 21 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và ban hành 107 kết luận thanh tra, 104 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 17.846 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường, ngoài những biện pháp hành chính “cứng”, cũng nên tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân. Đây là giải pháp sử dụng “quyền lực mềm” của người tiêu dùng để định hướng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cũng như về lâu dài hình thành lối sống thân thiện với môi trường trong cộng đồng dân cư. 

Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty Quốc tế Unilever chia sẻ, trước hết cần tập trung tăng cường nhận diện của người dân về hành vi sống thân thiện với môi trường; giúp người dân hiểu rằng, bảo vệ môi trường không phải là những hoạt động lớn lao mà chỉ thói quen đơn giản như tắt vòi nước khi không sử dụng, lưu trữ và tái sử dụng lại nguồn nước đã qua sử dụng nhưng chưa quá bẩn trong sinh hoạt, tăng cường tích trữ nguồn nước thay vì sử dụng trực tiếp nguồn nước từ vòi; đặc biệt ưu tiên sử dụng sản phẩm giúp tiết kiệm nguồn nước như nước xả vải 1 lần thay cho phải xả 3 lần như cách giặt đồ truyền thống, tiêu tốn nhiều nước… Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng mà còn có sự tham gia từ chính cộng đồng cư dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội… Những năm qua, Công ty Quốc tế Unilever đã  triển khai chương trình “Tiết kiệm 1 tỷ m3 nước sạch cho Việt Nam”. Với 12 công trình lọc nước được xây dựng, tặng 1.000 bồn nước cho người dân các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum… Công ty không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề thiếu nước sạch mà còn giúp người dân nhận thức ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn nước sạch. 

Ở góc độ thị trường, đại diện Công ty CP Mondelez Kinh Đô cho rằng, nhất thiết phải phát huy “quyền lực mềm” của người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp xác lập sản phẩm xanh, sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm của doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, người tiêu dùng sẽ xây dựng định hướng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp nào thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, “quyền lực mềm” trong tiêu dùng này đôi khi còn hiệu quả và mạnh mẽ hơn “quyền lực cứng” đến từ các cơ quan chức năng trong việc buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường. 

Có thể thấy, nguồn nước sạch tại Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ, đa chiều từ các tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng liên quan. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định đang tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào việc cải thiện chất lượng nguồn nước ô nhiễm, cũng như tiết kiệm nguồn nước sạch hiện tại. Riêng ở góc độ thị trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiết kiệm nguồn nước, có khả năng tái sử dụng cao để giảm thiểu suy giảm chất lượng nguồn nước. Mặt khác, thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định.

Tin cùng chuyên mục