Phát huy vai trò hàng bình ổn trong mùa kinh doanh cuối năm

Hiện hàng hóa đang có xu hướng tăng giá bởi áp lực nguyên liệu đầu vào, chi phí xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện nhiều giải pháp để có thể bình ổn thị trường, nhất là trong thời điểm mua sắm cuối năm.
 Hàng bình ổn giá bán tại các kênh siêu thị
Hàng bình ổn giá bán tại các kênh siêu thị

Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, trong suốt mùa dịch vừa qua, các DN trong hội đã nỗ lực không tăng giá bán hàng hóa, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Dù vậy, hiện nay áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, buộc DN phải tính toán lại mặt bằng giá mới trong thời gian tới. Không chỉ nhà sản xuất mà ngay cả các DN phân phối, bán lẻ cũng cho hay áp lực tăng giá đang khiến họ phải nỗ lực rất nhiều mới cho ra được chương trình khuyến mãi cuối năm. Lý do, hiện nay chi phí vận hành, chi phí lao động cũng như chi phí đầu vào đều chịu áp lực tăng giá. 

Trong bối cảnh hàng hóa đang có xu hướng tăng giá, Bộ Công thương cho biết sẽ phát huy vai trò của các DN bình ổn để kìm giá, góp phần ổn định thị trường. Điển hình tại khu vực TPHCM, theo Sở Công thương TPHCM, trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu có xu hướng tăng, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường, điều tiết, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là trong điểm cuối năm. Theo đó, Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) tổ chức thí điểm bán thực phẩm bình ổn lưu động tại các KCX-KCN. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình chính thức được triển khai từ ngày 25-11 tại KCX Tân Thuận với khoảng 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống do DN trên địa bàn tham gia, bán với giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường 5-10%. Sau giai đoạn thí điểm từ nay đến hết tháng 3-2022, Sở Công thương và Hepza sẽ đánh giá hiệu quả để mở rộng tại các KCN-KCX trên địa bàn thành phố.

Cùng với chương trình chung của thành phố, các DN cũng chủ động bình ổn giá hàng hóa tùy theo năng lực sản xuất, phân phối của mình. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất, các DN chủ lực như Vissan, Ba Huân, San Hà, C.P… đều có những sản phẩm tham gia bình ổn thị trường với giá thấp hơn 5-10%. “Hiện tại chúng tôi đã cân đối sản xuất và cam kết không tăng giá, thậm chí còn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để chia sẻ với người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân khẳng định. 

Với DN bán lẻ, đại diện Saigon Co.op cho biết, năm 2021, dù bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiếp tục thể hiện vai trò nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, không ngừng nỗ lực xây dựng chương trình khuyến mãi và giải pháp chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm để có thể giữ và giảm giá hàng hóa, Saigon Co.op sẽ tùy theo diễn biến thực tế để áp dụng các giải pháp cụ thể. 

Bên cạnh đó, Saigon Co.op có các hợp đồng chiến lược ổn định giá cả hàng hóa dài hạn, luân phiên thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá định kỳ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhãn hàng nhằm mang tới những sản phẩm giá hợp lý cho khách hàng. Điển hình là trong 58 ngày, từ cuối tháng 11 đến Tết Nguyên đán 2022, Saigon Co.op sẽ liên tục tổ chức các chương trình giảm giá phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cả nước. Các mặt hàng trong chương trình giảm giá được chọn lựa theo mùa, theo nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn trong tháng 12 sẽ tập trung vào các mặt hàng Giáng sinh, đón năm mới và dịp gần tết là những mặt hàng ẩm thực truyền thống như bánh chưng, bánh mứt tết, hàng trang trí, vệ sinh nhà cửa… “Chúng tôi đã chủ động liên kết với các DN, hợp tác xã ở những địa phương có siêu thị Co.opmart trú đóng nhằm chuẩn bị nguồn hàng với giá cả ổn định để phục vụ người tiêu dùng”, ông Lê Trường Sơn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục