Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 1 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 19,67%, với 41 dân tộc anh em cùng chung sống. Già làng, người có uy tín từ lâu là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.
Một góc Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp
Một góc Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Xã biên giới Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào Khmer. Ông Lâm Đây, Bí thư Chi bộ ấp Ba Ven và ông Lâm Hay, người có uy tín ở ấp Chàng Hai của xã Lộc Khánh là những điển hình đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. Để giúp người dân giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, các ông Lâm Đây, Lâm Hay đã trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn cách ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, vận động nhân dân đóng góp công sức cùng với Nhà nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của địa phương, hai ông đã vận động 100% hộ dân trên địa bàn đưa đàn trâu, bò ra địa điểm nuôi nhốt tập trung, xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa xã Lộc Khánh về đích nông thôn mới năm 2021.

Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bà con không bán điều non, không cầm cố, sang nhượng đất đai, nương rẫy, ông Điểu Va (67 tuổi) được đồng bào dân tộc S’tiêng ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng kính trọng, luôn xem là người uy tín trong cộng đồng. Những năm trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc S’tiêng trong vùng nghe theo lời kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố đất để có tiền tiêu xài, tài sản cứ không cánh mà bay, ông Điểu Va đã tích cực vận động và rất nhiều hộ đã nghe theo, tránh rơi vào cảnh nợ nần, cầm cố tài sản...

Tỉnh Bình Phước có 3 huyện biên giới là Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập với 124 thôn, ấp và 15 xã biên giới. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã phát huy tốt vai trò của những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ luôn gương mẫu tham gia tuyên truyền, vận động người dân, con cháu, người thân trong gia đình, dòng tộc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Từ đó, người dân vùng biên đã tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc và đấu tranh tố giác tội phạm để góp phần giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới. Từ năm 2018 đến nay đã có 33 tập thể, 207 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc với chiều dài hơn 258km. Bình Phước cũng là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hoàn thành phân giới cắm mốc với 29 cột mốc chính và 353 cột mốc phụ.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh hiện có 345 người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có 96 già làng. Đây là những người được thụ hưởng chính sách đặc thù của tỉnh nên thường xuyên được cấp phát các ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền, cập nhật kiến thức về dân tộc, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đội ngũ người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục