
Ngày 18-2, Trung tá Võ Văn Nhuận, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự (PC13) đã trực tiếp tiếp nhận và hướng dẫn hơn 20 hồ sơ đăng ký hộ khẩu theo quy định mới. Các hồ sơ này thỏa mãn điều kiện đã lưu trú hơn 5 năm tại thành phố, nhưng không đáp ứng yêu cầu về giấy tờ nhà cũng như công việc làm và có thu nhập ổn định…
- Không chứng minh được việc làm

Trung tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng PC13 tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn cho người dân.
Phòng tiếp dân “trưng dụng” của Trung tá Võ Văn Nhuận nhiều lúc đã quá tải. Mặc dù, theo thông báo lãnh đạo Phòng PC13 chỉ tiếp nhận những trường hợp chưa thông khi đã qua hướng dẫn của cán bộ phòng ngoài, nhưng phần đông người dân đến Phòng PC13 đều có mong muốn gặp đồng chí trưởng phòng.
Về vướng mắc trong thủ tục đăng ký hộ khẩu (ĐKHK) theo quy định mới, đa số người dân khi gặp Trung tá Võ Văn Nhuận đều thỏa mãn điều kiện đã lưu trú ở thành phố, nhưng lại kẹt giấy tờ nhà đất và các thủ tục chứng minh có việc làm, thu nhập ổn định. Và, cứ nhìn nét mặt là chúng ta dễ dàng dự đoán ai được tiếp nhận hay ai chưa…
Trường hợp của anh Lê Quý Hoàn (nhà ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) là một điển hình tồn tại hơn 10 năm qua. Anh Hoàn có 2 căn nhà đầy đủ giấy tờ, bản thân đã đăng ký hộ khẩu KT3 15 năm nay, nhưng không thể ĐKHK được. Nay, khi có quy định mới thì anh lại “vướng” vì không chứng minh được công việc làm cũng như thu nhập của mình. Trưởng phòng PC13 đã tiếp nhận hồ sơ này và trực tiếp trả lời bằng văn bản.
Cùng chung khó khăn như anh Lê Quý Hoàn là anh Lê Tấn Long (ở quận 6) kinh doanh đại lý vé số, thu nhập tương đối ổn định và được địa phương miễn thuế. Với trường hợp này, Trung tá Võ Văn Nhuận cho biết sẽ xem xét cụ thể hồ sơ và hướng dẫn hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh và miễn thuế.
- Nhà của mình nhưng không phải của mình
Hơn 10 trường hợp gặp lãnh đạo Phòng PC13 để yêu cầu hướng dẫn các thủ tục liên quan đến nhà ở, đất ở. Đây là những khó khăn khá phổ biến mà báo SGGP đã phát hiện và đề xuất lãnh đạo các cơ quan liên quan trực tiếp giải quyết. Đó là các trường hợp mua đất trong dự án, mua nhà sở hữu nhà nước… nhưng chưa có giấy chủ quyền.
Ông Nguyễn Hữu Tuế, nhà ở quận 6 hỏi về trường hợp của con mình, cho biết: “Con tôi mua một căn hộ chung cư tại quận Bình Thạnh nhiều năm qua, nhưng chưa được cấp chủ quyền nhà vì đây là dạng nhà trả góp. Con trai tôi đã lưu trú tại thành phố 11 năm qua (diện KT3) và có nghề nghiệp ổn định. Theo tôi thì nhà nước và con tôi đã ký hợp đồng rồi, giấy tờ đó cũng chứng minh được người sở hữu hay chủ quyền. Nếu vậy, con tôi cũng đủ thủ tục để ĐKHK. Mua nhà trả góp là chủ trương đúng đắn của nhà nước. Nếu đòi hỏi trả hết một lần thì dân nghèo tụi tôi chắc còn nhiều khó khăn để ĐKHK.
Ông Nguyễn Chí Minh, một thương binh lưu trú ở phường 13, quận Tân Bình lại có bức xúc khác, ông nói: “Nhà tôi thuộc diện hóa giá và mới đây đã nhận được giấy tạm cấp số nhà”. Về các trường hợp khá đặc biệt và cụ thể này, Trung tá Võ Văn Nhuận đã hướng dẫn người dân trở về địa phương, liên hệ với Phòng Quản lý đô thị hoặc Công ty Kinh doanh nhà để có hướng xử lý cụ thể và giải quyết theo yêu cầu.
Cuối giờ làm việc buổi sáng, ngoài hơn 100 trường hợp được hướng dẫn và tiếp nhận ở phòng tiếp dân, khu vực tiếp dân của lãnh đạo Phòng PC13 đã tiếp nhận, hướng dẫn hơn 20 trường hợp. Đặc biệt, Trung tá Võ Văn Nhuận đã trực tiếp tiếp nhận 4 hồ sơ đủ thủ tục để xem xét, giải quyết; 2 hồ sơ ký chuyển cho Đội quản lý hành chính quận, huyện thực hiện. Việc ĐKHK theo quy định mới đã tháo gỡ được một số khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn các vướng mắc khá phổ biến về thủ tục giấy tờ nhà, đất liên quan đến dự án khu dân cư, chung cư. Vấn đề đang đòi hỏi các ngành hữu quan có hướng giải quyết cụ thể hơn trong thời gian tới.
ĐOÀN HIỆP