Năm học 2011 - 2012, các trường đại học đã kết nạp được 443 đảng viên là sinh viên, nâng tổng số lên 2.105 đảng viên là sinh viên (đạt 0,38% tổng số sinh viên các trường trên địa bàn TPHCM). Tuy nhiên, so với con số 560.762 sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường ĐH-CĐ-TCCN trên địa bàn TPHCM thì rõ ràng, kết quả nói trên vẫn còn quá khiêm tốn!
Đổi mới cách tiếp cận HS-SV
TS Đinh Công Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho rằng người trẻ ngày nay ít quan tâm đến công tác Đảng. Có phải do công tác phát triển Đảng quá hành chính nên không thu hút được các bạn hay công tác này thật sự chưa được đầu tư đúng mức? Đặc biệt, chưa tận dụng được thế mạnh của các trang mạng để từ đó đầu tư nội dung phù hợp, thu hút sự tham gia của HS-SV. Nhiều nơi, việc giao lưu giữa đảng viên với các HS-SV hạn chế; thông tin tuyên truyền về tổ chức đến HS-SV thì xơ cứng, giáo điều nên không thu hút được HS-SV.
Giải thích thêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trường ĐH Bách khoa TPHCM Hoàng Minh Nam nói: Hiện nay rất cần các hoạt động của Đoàn, hội mang tính thu hút cao, có định hướng cụ thể để tạo sức hút với đoàn viên - sinh viên. Ngay sau khi các bạn trẻ đã học lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng (khoảng 250 quần chúng/năm) thì rất cần tiếp tục có những hoạt động giúp các bạn được rèn luyện, thử thách, vừa từng bước xác định mục đích phấn đấu phù hợp - đây là việc hầu như ở các trường ĐH còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, cần phải đề ra một số tiêu chí phù hợp và cụ thể hơn với đối tượng là sinh viên năm nhất, năm hai. Phổ biến hiện nay để phát triển Đảng là sinh viên từ năm thứ ba trở đi, đến khi xét chuyển Đảng chính thức thì chi đoàn cơ sở đã không còn, việc xét để hoàn chỉnh các thủ tục cũng gặp khó.
Còn Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM Võ Văn Sen băn khoăn: nếu chi bộ hoạt động kém nhưng lại rất “hăng hái” kết nạp đảng viên thì lại là nguy cơ! Quan trọng nhất vẫn là chất lượng đảng viên - sinh viên. Hiện nay, chất lượng hoạt động chi bộ sinh viên đáng lo bởi không ít trường hợp, chi bộ sinh viên kết nạp được nhiều đảng viên nhưng có bạn ra trường rồi vẫn chưa tìm được việc làm hoặc việc làm không ổn định, chỗ ở thì nay đây mai đó, thế là bỏ luôn sinh hoạt Đảng. “Vì vô dễ nên bỏ đi cũng dễ dàng, “chất” không hề có!” - ông Võ Văn Sen kết luận.
Nhiều việc phải làm
Về việc chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên - sinh viên sau khi tốt nghiệp, Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Văn Dự, bày tỏ: Trường có 37 đảng viên - sinh viên đã ra trường nhưng vẫn còn ở lại sinh hoạt Đảng. Có những đảng viên - sinh viên ra trường đến nay đã 2 năm nhưng chưa chuyển đi được. Thậm chí vừa qua có trường hợp đã ra trường 4 năm mới chuyển đi được. Lý do cũng chỉ vì công việc làm cũng như chỗ ở trọ của đảng viên - sinh viên chưa ổn định.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Trường ĐH-CĐ-TCCN Phạm Thiên Kha đề xuất: Tổ chức hoạt động của các Đoàn trường lúng túng (các trường ĐH hiện nay đang chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ); thiếu cán bộ chuyên trách Đảng ở các trường (do khó kiếm được người phù hợp); việc thẩm tra, xác minh hồ sơ kết nạp thì địa phương gửi theo đường công văn quá lâu, thậm chí không trả lời; cử cán bộ đi trực tiếp thì khó về kinh phí; cấp ủy địa phương thì nhận xét sơ sài; xác minh thái độ nơi cư trú thì khó khăn (sinh viên tạm trú, thay đổi chỗ ở, không khai báo).
Làm việc trực tiếp với các Đảng ủy các trường, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị cấp ủy 19 trường khi đã đủ điều kiện, cần bố trí ngay cán bộ chuyên trách công tác Đảng, những trường chưa đủ điều kiện bố trí cán bộ chuyên trách thì phân công đảng viên các phòng, khoa, cán bộ chuyên trách Đoàn, hội kiêm nhiệm. Chủ động phối hợp với Trường Cán bộ TP, các trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy các trường. Các địa phương tiếp nhận giới thiệu sinh hoạt đảng cho đảng viên và sinh viên ra trường đúng quy định.
LINH ĐAN