Trong khi công tác ứng phó với BĐKH ở TPHCM nói riêng và những đô thị của Việt Nam nói chung chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu để thích ứng với BĐKH thì không chỉ TPHCM mà ở nhiều đô thị khác của Việt Nam sẽ còn chịu thiệt hại nặng nề hơn nữa.
Không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang, trong khoảng 40 năm qua, dân số TPHCM tăng lên 5 lần, cụ thể từ 2 triệu dân trong giai đoạn 1975-1978 thì nay đã hơn 10 triệu dân. Cùng với áp lực dân số là hàng loạt các thách thức khác liên quan đến môi trường, BĐKH, buộc mỗi người dân phải có cách ứng xử phù hợp. TPHCM nói riêng và các đô thị ở Việt Nam nói chung đều có tình trạng hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị; điển hình là san lấp kênh rạch để lấy đất làm nhà ở. Từ đó, làm mất nơi thu giữ nước khi có mưa lớn, triều cường, mất cân bằng sinh thái (ở TPHCM, quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha). Ngoài ra, việc giảm diện tích cây xanh, công viên và tăng cao mật độ xây dựng các nhà cao tầng đã làm nhiệt độ thành phố cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, sinh hoạt của đời sống cả cộng đồng.
Chia sẻ về lĩnh vực này, TS Michael Waibel, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị (Trường Đại học Hamburg - Đức), người đã có 30 năm nghiên cứu về sự phát triển các đô thị ở Việt Nam, cho biết ông rất lấy làm tiếc và than phiền rằng quá trình đô thị hóa tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là TPHCM thời gian qua đã nhanh chóng làm biến mất nhiều không gian kiến trúc cổ, phá vỡ những cảnh quan đến mức không còn nhận ra những hình ảnh quen thuộc mới hiển hiện vài năm trước đó. Ông dẫn chứng hàng loạt biến đổi như khu di tích Ba Son, dãy nhà kiến trúc cổ tại quận 6, khu vực bán đảo Thủ Thiêm…
Đã có rất nhiều di sản cổ, tòa nhà cổ bị biến mất, thay vào đó là những tòa nhà chọc trời, không gian đô thị dành cho mọi người ngày càng thu hẹp. Sự phát triển đô thị hóa với tốc độ cao cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng BĐKH ngày nay. BĐKH được nhận định là thách thức mới của phát triển đô thị. Tuy nhiên, công tác đánh giá khả năng chống chịu của các đô thị ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây là yếu tố quan trọng để lồng ghép được yếu tố BĐKH vào xây dựng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Ứng xử văn minh với đô thị
Trước những diễn biến phức tạp của BĐKH, rủi ro thiên tai là khôn lường và khó chống nếu xảy ra. Các nhà nghiên cứu về đô thị hiện đang quan tâm nhiều đến việc làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh (cả hệ thống), để có thể duy trì hoạt động và “thích ứng” một cách nhanh chóng trước những diễn biến bất thường của thiên tai.
Theo PGS-TS Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Công nghệ (Trường Đại học Văn Lang), các đô thị lớn của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang chuyển hóa mỗi ngày với tốc độ vô cùng mạnh mẽ. Sự chuyển hóa này do nhiều yếu tố tác động, trong đó yếu tố tự nhiên liên quan đến cực trị của thời tiết, BĐKH ảnh hưởng đáng kể đến các dạng thức phát triển không gian, chức năng, tăng trưởng và tương lai các đô thị.
Riêng TPHCM trong bối cảnh công nghiệp hóa, quá trình ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những tác động này ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, đặc biệt là những người nghèo. Để thích ứng với BĐKH, thành phố cần nâng cao chất lượng đô thị bằng việc phát triển không gian xanh và mặt nước, không gian đi bộ theo tuyến, kiến trúc xanh, phát triển không gian mở, không gian công cộng. Bên cạnh đó, cũng tập trung hơn việc kêu gọi nâng cấp hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, cung cấp nước và xử lý nước thải, cải thiện phương tiện vận tải công cộng, giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường bền vững.
TS Michael Waibel cho biết thêm, Việt Nam đã có sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng bức ảnh. Tuy nhiên, đối với vấn đề phát triển bền vững của các đô thị thì cần phải có cái nhìn đa chiều. Đồng thời ông cũng lưu ý, bên cạnh sự phát triển của các đô thị thường kèm theo sự biến mất của những công trình kiến trúc cổ. Đô thị không chỉ là một phần nguyên nhân gây ra các vấn đề BĐKH mà còn đóng vai trò là một nhân tố giải pháp quan trọng để ứng phó.
Do vậy, khi quy hoạch phát triển đô thị, chính quyền thành phố cần cố gắng giữ lại các công trình cổ, kiến trúc cổ, hạn chế xây dựng những tòa nhà cao tầng ở trung tâm đô thị. Song song đó, thành phố cần chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật phải theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt về ứng phó BĐKH và phát triển xanh.
Trở lại câu chuyện khu di tích Ba Son và khu vực bán đảo Thủ Thiêm đã bị biến mất do quá trình quy hoạch đô thị, theo TS Michael Waibel, thay vì đánh đổi cảnh quan kiến trúc cổ với sự phát triển đô thị thì có thể chọn giải pháp kết hợp 2 yếu tố này để biến thành những khu di sản hỗn hợp bên bờ sông, khi đó thành phố sẽ có được sự phát triển hoàn hảo một cách bền vững.