Phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ tiềm năng

Phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN) là chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả của hoạt động KH-CN; góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 



Công ty Ewater, một doanh nghiệp KH-CN tại TPHCM, tư vấn các giải pháp, thiết bị xử lý lò hơi công nghiệp Ảnh: TẤN BA
Công ty Ewater, một doanh nghiệp KH-CN tại TPHCM, tư vấn các giải pháp, thiết bị xử lý lò hơi công nghiệp Ảnh: TẤN BA

Tại TPHCM cũng đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển loại hình doanh nghiệp này, nhưng vẫn còn những vướng mắc cần sớm giải quyết.

Kết quả đáng ghi nhận

Tính đến tháng 11-2018, Sở KH-CN TPHCM đã chứng nhận cho 64 doanh nghiệp KH-CN và 2 trường hợp bổ sung danh mục sản phẩm hàng hóa KH-CN. Trong số này toàn bộ là doanh nghiệp, không có hình thức tổ chức KH-CN công lập chuyển đổi sang doanh nghiệp. Năm 2017, doanh thu từ sản phẩm KH-CN cũng tập trung vào nhóm doanh nghiệp này. Số doanh nghiệp KH-CN tuy không nhiều so với tổng số doanh nghiệp nói chung, nhưng cũng là kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Kết quả trên xuất phát từ Quyết định số 2953/QĐ-UBND của UBND TPHCM về phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN với mục tiêu phát triển doanh nghiệp KH-CN đến năm 2020 sẽ đạt 300 doanh nghiệp. Hơn nữa, là trung tâm KH-CN phía Nam, tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu - nơi ươm tạo, hình thành các kết quả nghiên cứu KH-CN... nên TPHCM đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp.

Sở KH - CN TPHCM cũng triển khai kế hoạch phát triển 35 doanh nghiệp KH-CN trong năm 2018 với chương trình cụ thể, như hỗ trợ kinh phí tư vấn, khảo sát đánh giá tiềm năng nghiên cứu, đổi mới KH-CN của các doanh nghiệp tiềm năng và hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Kết quả đến tháng 11-2018 đã chứng nhận cho 32 doanh nghiệp KH-CN, đạt 91,4% theo kế hoạch. 

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KH-CN cũng được TPHCM quan tâm. Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung vào các chương trình cơ khí và tự động hóa; điện - điện tử và công nghệ thông tin; hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu; công nghệ sinh học; quản lý và phát triển đô thị.... Đây là những lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích nghiên cứu phát triển và tiến tới thành lập doanh nghiệp KH-CN. 

Chi tiết ưu đãi cần rõ ràng

Theo Sở KH-CN TPHCM, nguồn doanh nghiệp tiềm năng có thể phát triển thành doanh nghiệp KH-CN gồm: Doanh nghiệp ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; doanh nghiệp đã tham gia hoặc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH-CN các cấp... Tại TPHCM chú trọng phát triển các nhóm khởi nghiệp hình thành và phát triển sản phẩm KH-CN để thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang hoạt động về đổi mới công nghệ thiết bị, năng lực tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, những khó khăn gặp phải cũng không ít. Đầu tiên phải nói đến khâu thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH-CN; trong đó có việc xác định đối tượng thành lập thuộc lĩnh vực nào do chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể, đặc biệt với một số lĩnh vực rộng như công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, theo ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), việc doanh nghiệp chứng minh sở hữu hoặc sử dụng kết quả KH-CN cũng không phải dễ khi được yêu cầu. Ngay trong thực thi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng gặp những trở ngại. Một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, chính sách hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư. Việc chưa cụ thể hóa trong quá trình thực hiện làm cho doanh nghiệp chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng này (một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất) nhưng trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được khi xem xét từng trường hợp cụ thể với từng ngành nghề. 

Để phát triển doanh nghiệp KH-CN, rất cần rõ ràng hơn trong các cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ; chính sách về thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng... cụ thể như thế nào. Song song đó, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp KH-CN thương mại hóa sản phẩm qua kinh phí nghiên cứu, hỗ trợ một phần thuê máy móc thiết bị trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện.

Từ năm 2008 đến nay, Sở KH-CN TPHCM đã phối hợp với Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức các lớp quản trị viên tài sản trí tuệ cho đối tượng là lãnh đạo các doanh nghiệp; qua đó, giúp doanh nghiệp hiểu rõ việc xác lập quyền, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và kết nối các chuyên gia thực hiện nghiên cứu hay tư vấn xây dựng hồ sơ, hỗ trợ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá các kết quả đạt được trong đề tài, dự án nghiên cứu khi có yêu cầu. Đặc biệt, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu phát triển, hoàn thiện và chuyển giao các kết quả nghiên cứu tốt để doanh nghiệp áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp...

Tin cùng chuyên mục