Giải quyết áp lực quá tải ở bệnh viện nhi

Phát triển mô hình bệnh viện trong ngày

Từ “Đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải trong các bệnh viện (BV) nhi” với sự tham gia đóng góp ý kiến của 65 đơn vị gồm: Sở Y tế các tỉnh thành, BV nhi, BV đa khoa, trung tâm y tế (TTYT) quận huyện, Sở Y tế TPHCM vừa trình Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Y tế và UBND TPHCM kết quả, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm tạo hướng ra cho các BV nhi.
Phát triển mô hình bệnh viện trong ngày

Từ “Đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải trong các bệnh viện (BV) nhi” với sự tham gia đóng góp ý kiến của 65 đơn vị gồm: Sở Y tế các tỉnh thành, BV nhi, BV đa khoa, trung tâm y tế (TTYT) quận huyện, Sở Y tế TPHCM vừa trình Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Y tế và UBND TPHCM kết quả, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm tạo hướng ra cho các BV nhi.

Theo Sở Y tế nhiều tỉnh thành, tình trạng quá tải bệnh nhi đang xảy ra không chỉ ở các BV nhi khu vực như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TPHCM) mà còn ở BV Nhi Trung ương và khoa nhi của các BV đa khoa tuyến tỉnh. Áp lực trẻ đến khám chữa bệnh cao dẫn đến tình trạng quá tải ở khu vực ngoại trú lẫn nội trú.

Phát triển mô hình bệnh viện trong ngày ảnh 1
Bệnh viện tuyến thành phố - trung ương chỉ để tập trung điều trị những bệnh lý khó, trẻ sơ sinh. Ảnh: TR.NG.

Những bệnh lý thường gặp góp phần vào tình trạng quá tải như: hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng, bệnh ở trẻ sơ sinh và dị tật bẩm sinh. Đến nay, BV Nhi đồng 1 TPHCM vẫn là nơi phải “gánh” số lượng bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến cao nhất với 51% bệnh nội trú.

Tại TPHCM, một nghịch lý là đa số TTYT quận huyện không có phòng khám nhi và khoa nội trú riêng cho bệnh nhi. Song song đó, qui mô khoa nhi ở các BV đa-chuyên khoa của thành phố ngày càng “teo tóp” về số giường cho bệnh nhân nhi và cả y bác sĩ chuyên khoa nhi.

Theo nghiên cứu của BV Nhi Trung ương, số giường nhi hiện nay chỉ chiếm 13,6% trong tổng số giường bệnh của cả nước, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 20% theo quy định.

Đánh giá về bệnh lý, theo kết quả nghiên cứu của BV Nhi đồng 1 TPHCM, có đến 90% trường hợp bệnh nhi đến khám tại BV có thể điều trị tốt ở BV tuyến tỉnh, TTYT quận huyện, thậm chí là trạm y tế phường-xã.

Trước tình hình trên, nhiều lãnh đạo Sở Y tế tỉnh thành và các BV thống nhất các biện pháp trước mắt là triển khai khám bệnh 24/24 giờ và phát triển thêm khu vực cấp cứu-lưu. Các BV chủ động phát triển mô hình BV trong ngày, tăng cường điều trị ngoại trú, chăm sóc trẻ tại nhà và dựa vào cộng đồng.

Bên cạnh đó, BV còn xây dựng tiêu chuẩn nhập và xuất viện chặt chẽ, tránh xảy ra hiện tượng quá tải do nhập viện không cần thiết. Tại các BV tỉnh đã phát triển hồi sức cấp cứu sẽ được đầu tư phát triển phẫu thuật nhi.

Về lâu dài, tại những địa phương có đủ nguồn lực và nhu cầu bệnh nhi khám chữa bệnh cao, khuyến khích thành lập BV nhi, kết hợp BV sản-nhi. BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TPHCM sẽ tăng cường hỗ trợ và phát triển chuyên môn cho mạng lưới vệ tinh gồm BV đa khoa và TTYT quận huyện.

Được biết, 3 BV đa khoa lớn của TPHCM gồm Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115 và Nguyễn Tri Phương cũng đã nhất trí cho phục hồi lại khoa nhi hoặc tăng cường thêm số giường cho bệnh nhi. Trong đó, BV Nhân dân Gia Định tăng từ 70 lên 120 giường và thêm 3 phòng khám bệnh nhi.

BV Nhân dân 115 sẽ thành lập hẳn khoa nhi sau khi công trình mở rộng BV đưa vào hoạt động, trong đó các chuyên khoa khác có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ tạo thành chu trình khép kín từ khám-chẩn đoán-phẫu thuật và điều trị.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Phan Văn Báu, TPHCM sẽ phát triển mô hình mới là mạng lưới bác sĩ gia đình để giảm áp cho hệ thống các cơ sở y tế. Sở kiến nghị sớm triển khai bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, bên cạnh đó kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế nên có chiến lược căn cơ hơn để đầu tư và phát triển nhi khoa lâu dài. 

NGỌC TRƯỚC

Tin cùng chuyên mục