Phát triển năng lượng sạch ​

Hiện nay, ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam đang quyết tâm giải quyết các thách thức thiếu hụt năng lượng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng.
Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều tiềm năng sản xuất năng lượng sạch. Do vậy, trong thời gian tới, USAID sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam triển khai dự án tăng cường hiệu suất sử dụng điện trong các tòa nhà bằng việc sử dụng những sản phẩm thông minh để giảm tải lượng điện tiêu thụ (dự án phối hợp với Bộ Xây dựng) và dự án chương trình năng lượng phát thải thấp V-LEEP (giảm phát thải trong dệt may) với tổng kinh phí 9,374 triệu USD. Đây được xem là những dự án có ý nghĩa rất lớn đến môi trường sinh thái tại Việt Nam. 
Cùng với sự tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng sạch, hướng đến tăng trưởng xanh, ông Thomas Egebo, Thứ trưởng Bộ Năng lượng, khí hậu và công ích Đan Mạch, cho biết thách thức của Việt Nam hiện nay không phải là tăng trưởng mà là làm cho tăng trưởng trở nên bền vững. Chính phủ Đan Mạch đã ký một tuyên bố chung với Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Trước đó, Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với mục tiêu giảm 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Dự án hỗ trợ có ý nghĩa xã hội gần đây nhất của Chính phủ Đan Mạch thông qua Công ty Grundfos đó là xây dựng trạm bơm năng lượng Mặt trời cung ứng nước sạch cho hơn 4.200 hộ dân tại 7 xã của tỉnh Bến Tre. Theo đó, Công ty Grundfos lắp đặt 22 tấm pin năng lượng Mặt trời, 10 máy bơm chìm với hệ thống bơm tăng áp công suất 50m3/giờ/trạm, giúp tiết kiệm được 1/3 điện năng tiêu thụ. Các trạm bơm này hoạt động xuyên suốt kể cả trong điều kiện điện lưới, bị gián đoạn. Đặc biệt hệ thống bơm này không sử dụng bình điện (ắc quy) giúp giảm chi phí và giảm thiểu tác hại đến môi trường. 
Theo Bộ Công thương, cùng với việc tăng trưởng của nền kinh tế bình quân hàng năm 7,26% trong giai đoạn 2001-2010 và 5,91% trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam cũng tăng rất nhanh. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ điện năng luôn tăng trưởng với tốc độ rất cao, trung bình giai đoạn 2001-2010 lên tới 13%/năm và khoảng 11%/năm trong các năm từ 2011 đến nay. Để đảm bảo an ninh năng lượng và bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, chính phủ Việt Nam đã thi hành những chính sách nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng; trong đó, tập trung vào các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc nghiên cứu phát triển, đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo sẽ là một trong những điều kiện tích cực để Việt Nam đảm bảo thực thi chỉ tiêu về phát thải mà Việt Nam đã cam kết trong Hội nghị thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vừa qua. Ngoài ra, việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ đóng góp, bổ sung nguồn điện xanh cho đất nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay việc khai thác nguồn năng lượng này ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân do những cấu trúc cần thiết về môi trường pháp lý, môi trường đầu tư để phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam chưa hình thành. Đây cũng là lý do lý giải tại sao chi phí đầu tư sản xuất năng lượng sạch tại Việt Nam có thể đắt đỏ hơn sản xuất điện thông thường và người tiêu dùng cũng phải trả giá điện cao hơn. Do đó, trong tương lai, cần có quy trình đấu thầu theo hướng minh bạch hơn. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành luật về năng lượng tái tạo nhằm tạo những điều kiện thuận lợi có tính đột phá để đẩy mạnh khai thác sử dụng các nguồn năng lượng này. Chỉ khi có được sự quan tâm thực sự của Chính phủ bằng những hành động cụ thể được luật hóa thì mới tạo ra được thị trường cho năng lượng tái tạo phát triển. 

Tin cùng chuyên mục