
Với một căn phòng có thiết bị y tế đơn sơ, ẩm thấp không đủ điều kiện vô trùng, nhưng bác sĩ (BS) Chế vẫn thực hiện các cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, BS Chế còn tự ý cho bệnh nhân lưu trú nhiều ngày tại phòng mạch của mình. Việc làm của BS Chế tồn tại khá lâu, ngành y tế có biết?
Phòng mạch của người nghèo!?
Người ta biết đấy là phòng mạch của BS Nguyễn Đình Chế (chuyên khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện 175) ở số 3/3 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3 quận Gò Vấp nhờ tấm bảng nhỏ màu đen có viết chữ “Bác sĩ Chế”. Lối vào phòng mạch của BS Chế là khu lưu trú chưa đầy 10m², với 5 chiếc giường tầng. Khu lưu trú chiều cuối tuần chỉ còn một bệnh nhân tên H., là công nhân may ở quận Gò Vấp đang điều trị sau khi đã cấp cứu ở Bệnh viện (BV) 175, nơi BS Chế làm việc.
Chị H. bị gãy xương vai và 3 ngón chân do tai nạn giao thông và sau khi cấp cứu ở BV 175, chị đã đến đây điều trị theo lời mách bảo của nhiều bệnh nhân khác. Thấy tôi loay hoay chờ đợi, chị H. sốt sắng gọi ĐTDĐ cho BS Chế: “Chú về ngay! Có khách đang đợi!”. Theo chị H., BS Chế không lấy tiền phòng mà chỉ lấy tiền khám chữa bệnh. “Chị đã tốn bao nhiêu tiền rồi?”. “Gần 5 triệu đồng thôi! Nghe đâu nằm bệnh viện phải tốn gần 10 triệu đồng!” - chị H. trả lời. Tôi gặp hai thanh niên ngồi ngoài sân phòng mạch cũng để đợi BS Chế. Hỏi mới biết, anh thanh niên này đã từng được BS Chế mổ nẹp xương đùi bị gãy trước đó, nay chiếc nẹp cố định xương bị gãy nên đến BS Chế sửa lại.
BS Chế về đến sân, thấy bệnh nhân quen đã cầm tấm phim đưa lên ánh nắng mặt trời xem và nói: “Tốt rồi. Nẹp xương đã cố định! Chỉ cần uống thuốc một thời gian là bỏ nạng và đi đứng bình thường”. Quay sang tôi BS Chế hỏi thăm, tôi bèn “kể bệnh”: “Ông chú tôi ở Bình Định bị gãy xương ống chân đã điều trị khỏi bằng phương pháp nối xương, đóng đinh xuyên tủy. Nay ông muốn rút đinh”. Nghe xong, BS Chế đưa tôi vào phòng mạch.
Đó là căn phòng thấp lè tè, chỉ khoảng hơn 10m2, trong phòng ngoài chiếc giường nhỏ có phủ miếng vải trắng (sau này tôi mới biết đó chính là giường mổ!), một chiếc bàn nhỏ và chiếc tủ nhỏ đựng vừa hồ sơ vừa dụng cụ y tế. Thấy tôi săm soi cây đèn có chóa chụp, BS Chế nói: “Đèn mổ đó!”. “Giải phẫu ở đây luôn hả bác sĩ?”, tôi hỏi. “Ừ! Tiểu phẫu đơn giản mà!”. “Có một mình bác sĩ giải phẫu thôi à?”, “Đâu có! Một mình tôi sao làm được. Còn gây mê, hồi sức… cả kíp mổ đấy chứ!”. Theo BS Chế, trường hợp rút đinh của ông chú tôi có chi phí 3,5 triệu đồng và do là phẫu thuật đơn giản nên có thể về trong ngày. BS Chế bảo: “Cho dù ở lại tôi cũng không lấy tiền lưu trú, tôi chữa bệnh giúp người nghèo mà! Người nghèo đến với tôi đông lắm”.
Bác sĩ: quá liều; bệnh nhân: quá gan!

Chỉ với tấm bảng “Bác sỹ Chế”, căn nhà ẩm thấp này là nơi phẫu thuật nhiều ca... chấn thương chỉnh hình. Ảnh: H.P.
Tháng 9-2007, chị K.O, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bị té khiến gãy khớp gối chân trái phải cấp cứu ở BV 175. Nghe theo lời BS Chế, người trực tiếp phẫu thuật cho chị K.O, tháng 3-2008, chị đã đến phòng mạch tư của BS Chế để phẫu thuật lấy cây nẹp trong chân của mình ra.
Toàn bộ chi phí cho lần phẫu thuật đó là 3,2 triệu đồng (theo BS Chế, nếu làm trong BV tốn 5 triệu đồng) và chị được về nhà ngay sau khi phẫu thuật. Cũng theo chị K.O, sáng đó, có một chị phụ nữ đang nuôi con nhỏ vào giải phẫu. Trong lúc phẫu thuật em bé khóc quá, chị cho em bé bú trên giường mổ luôn.
Phẫu thuật các vết thương hở là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng của các BS thực hiện và để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân cần chuẩn bị tốt nhiều khâu trước đó và đòi hỏi một môi trường vô trùng tuyệt đối. Xem ra những gì chúng tôi thấy được và từ lời kể các bệnh nhân từng chữa trị ở “phòng mổ” thì quả là các bệnh nhân đã bạo gan khi giao sinh mạng của mình cho vị BS liều này.
Thượng tá – bác sĩ Nguyễn Thế Vượng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV 175, khá bất ngờ với những thông tin mà chúng tôi cung cấp về phòng mạch BS Chế. BS Vượng cho biết: BS Chế chỉ là một BS điều trị của khoa chấn thương chỉnh hình. BV 175 đã có quy định từ khi thực hiện điều trị bệnh cho nhân dân: “Nghiêm cấm mọi trường hợp lôi kéo bệnh nhân ở BV về phòng mạch tư. Nếu phát hiện sẽ bị kỷ luật”. Từ trước đến nay, BV 175 chưa nhận được đơn, thư khiếu nại liên quan đến hành nghề tại phòng mạch tư của BS Chế.
Quang – Hiệp
Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Chiều 27-5, qua trao đổi với PV Báo SGGP về trường hợp phòng mạch của BS Nguyễn Đình Chế (số 3/3 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3 quận Gò Vấp), ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết: “Qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Sở Y tế thì phòng mạch của BS Chế không có giấy phép hoạt động và những hoạt động của BS Chế đang thực hiện là vượt quá phạm vi hành nghề của một phòng khám tư nhân chuyên khoa ngoại”. Thanh tra Sở Y tế cũng cho biết Thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25-5-2007 có nội dung hướng dẫn về hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân. Thông tư quy định rõ điều kiện và phạm vi chuyên môn hành nghề đối với phòng khám chuyên khoa ngoại. Theo đó, người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được đăng ký theo phòng khám chuyên khoa ngoại. Phòng khám ngoại và phòng tiểu phẫu, mỗi phòng phải có diện tích ít nhất là 10m², phòng cấp cứu và phòng lưu bệnh nhân, mỗi phòng phải có diện tích ít nhất là 12m²; phòng tiểu phẫu và phòng cấp cứu phải được ốp gạch men, hoặc vật liệu chống thấm bảo đảm vệ sinh vô trùng, chiều cao không thấp hơn 3,1m… Phạm vi hành nghề: sơ cứu – cấp cứu ban đầu ngoại khoa; khám và xử trí vết thương thông thường; bó bột gãy xương nhỏ; tháo bột theo chỉ định của thầy thuốc bó bột. Đ.H. |