Ra đời từ năm 1995 và thất bại, Tiến trình Barcelona (hay còn gọi là Euromed) cuối cùng đã có một cái tên mới: Liên minh Địa Trung Hải (ĐTH) - sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu thống nhất thông qua dự án hôm 13-3. Đây là đề xuất của Pháp nhằm tăng cường hợp tác toàn diện giữa EU với các quốc gia phía Nam. Kế hoạch được thông qua có nhiều sửa đổi so với đề xuất ban đầu của ông Sarkozy và sẽ hoạt động kiểu hội nghị thượng đỉnh thường kỳ chung giữa EU với các nước xung quanh Địa Trung Hải.
Xét về mặt kinh tế, cụm từ “liên minh Địa Trung Hải” chứa đựng tham vọng mang hai bờ cùng phát triển thành một khu vực tự do thương mại như một vài khu vực địa chính chiến lược khác trên thế giới, ví như Mercosur ở Mỹ Latinh hay ASEAN ở Đông Nam Á. Có chăng khác biệt ở chỗ những vùng kể trên không vấp phải khu vực có xung đột như Lebanon hay có đe dọa hạt nhân như Iran. RFI nhận định nếu liên minh thành hiện thực, lợi ích rất to lớn, trước hết là khoảng 40 triệu việc làm sẽ ra đời trong vòng từ nay đến năm 2010.
Với riêng EU, ngoài việc có thể kiểm soát chặt hơn nạn di cư bất hợp pháp, EU sẽ giải quyết được vấn đề nhân công, mang lại sức trẻ cho EU “già cỗi”. Hiện các nước phía Nam là “nước trẻ” (có tỷ lệ dân số dưới 35 tuổi cao). Khi thành liên minh, dân số sẽ lên tới 140 triệu người, một cơ hội tuyệt vời để tạo ra nguồn nhân lực dự trữ. Bên cạnh đó, EU sẽ có được món hời lớn vì hiện Mỹ đầu tư trực tiếp cho các nước phía Nam khoảng 20%, trong khi con số này đổ vào EU chỉ là 2%.
Tuy nhiên, vài nước phía Nam còn nghi ngờ, cho rằng Liên minh ĐTH là điều không tưởng. Theo H.Abouyoub, người chịu trách nhiệm triển khai dự án ở Morocco, Liên minh ĐTH có thể rất đẹp trên giấy tờ nhưng lại không thể thực hiện trên thực tế, đơn giản vì các nước Hồi giáo có cách suy nghĩ riêng, tôn giáo riêng, sẽ khó thích nghi với các ý tưởng về một liên minh tương tự. Họ cũng chưa quên trước kia, thay vì giảm khoảng cách giàu nghèo giữa hai bờ, dự án Euromed đã bộc lộ sự lúng túng trong xử lý, gây tổn hại đến đầu tư lâu dài cho phía Nam. Một yếu tố cản trở quan trọng nữa là ngân sách.
Tuy có ý kiến động viên rằng có thể cải tổ lại bộ máy của Tiến trình Barcelona cũ (hơn 10 tỷ euro), tận dụng các quỹ tư nhân, cầu viện Ngân hàng Phát triển châu Âu, WB, Liên đoàn Arập… nhưng tất cả đều biết sẽ rất khó. Thực tế, chưa phải quá muộn để cân bằng lại và làm cho mối liên minh này thực sự hiệu quả, nhất là khi kinh tế toàn cầu đã đặt Brussels vào thế đối đầu với các nền kinh tế mới nổi mạnh mẽ như Trung Quốc, Ấn Độ. Cho đến lúc này, Liên minh ĐTH vẫn không đặt ra được các giới hạn, tránh nguy cơ để lại hậu quả vĩnh viễn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh Liên minh ĐTH phải bao gồm tất cả các nước EU, không được chia rẽ châu Âu thành Bắc hoặc Nam Âu. Sau những khó khăn vừa trải qua (bất đồng kéo dài giữa các bên về dự án), giới quan sát cho rằng đây sẽ là phép thử thực sự về tính thống nhất trong EU.
Lê Vân