“Phí giao thông BOT là một dạng tăng thuế không tuyên bố”

Vấn đề thu phí ở các dự án giao thông BOT hiện đang gây bức xúc cho nhiều người dân vì cho rằng có tình trạng chồng phí, thậm chí dân phải nộp oan phí. Trước sự phản ứng của dư luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã báo cáo Chính phủ cũng như đích thân trả lời báo chí khẳng định các trạm thu phí BOT hiện nay đều đúng quy định. Tuy nhiên, giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của người dân cũng như các ĐBQH. PV Báo SGGP trao đổi với ĐBQH TPHCM Trương Trọng Nghĩa về vấn đề này.

Vấn đề thu phí ở các dự án giao thông BOT hiện đang gây bức xúc cho nhiều người dân vì cho rằng có tình trạng chồng phí, thậm chí dân phải nộp oan phí. Trước sự phản ứng của dư luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã báo cáo Chính phủ cũng như đích thân trả lời báo chí khẳng định các trạm thu phí BOT hiện nay đều đúng quy định. Tuy nhiên, giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của người dân cũng như các ĐBQH. PV Báo SGGP trao đổi với ĐBQH TPHCM Trương Trọng Nghĩa về vấn đề này.

° Phóng viên: Ông có cho rằng bức xúc của người dân về việc có tình trạng “phí chồng phí” ở các trạm thu phí giao thông BOT?

° ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Phải thừa nhận không một quốc gia nào đủ tiền Nhà nước để xây dựng hạ tầng, Việt Nam càng phải dựa vào đầu tư của xã hội. Nhưng về mặt chính sách phải thấy rõ, nhân dân đã đóng thuế rồi và tiền thuế này phải được sử dụng để đầu tư cho hạ tầng.

Khi tư nhân đầu tư thì phải có lợi nhuận và thu phí. Vì vậy, chúng ta phải có chính sách rõ ràng là dân đã đóng thuế thì phần này Nhà nước phải bảo đảm, còn phần đầu tư tư nhân thì là phần thêm vào. Nếu con đường độc đạo mà Nhà nước cho tư nhân đầu tư, khai thác thì sẽ rất “hời”. Quá nhiều trạm thu phí thì thực tế đó là một dạng tăng thuế không tuyên bố mà thôi. Vì vậy phải làm thật rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước đã làm đến đâu từ tiền thuế mà dân đóng góp. Cần hạn chế việc thu phí để bắt người dân phải trả thêm.

Nên nhớ tất cả các chi phí từ công trình BOT lại đi vào giá thành, bởi các doanh nghiệp vận tải, sản xuất... họ đều tính hết các chi phí đó vào giá thành. Điều này làm tăng giá sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, còn người dân thì lại phải trả thêm chi phí cho việc tăng giá thành. Như vậy, tính ra người dân vừa phải trả phí BOT trực tiếp ở các trạm thu phí, vừa phải trả thêm vì giá thành sản phẩm tăng lên. Phí chồng phí chính là ở chỗ đó.

° Để vừa đột phá hạ tầng, nhưng vẫn bảo đảm không tăng gánh nặng cho người dân, theo ông vấn đề phí BOT cần giải quyết thế nào?

° Tôi cho là dự án BOT phải chọn lọc và phải nằm trong sự tính toán để làm sao không trở thành một thứ thuế thu nhập không tuyên bố.

Bây giờ phải quy hoạch, tổ chức dự án BOT như thế nào cho phù hợp. Đừng để lan tràn một cách dễ dãi quá, đến mức có cảm giác không chỉ là vấn đề đầu tư hạ tầng mà các nhà đầu tư đang chăm chăm coi đó là một hình thức kinh doanh màu mỡ. Đầu tư BOT phải có lãi, nhưng chúng ta phải kiểm soát nhất định mức lãi đó. Ở nhiều quốc gia khác cũng vậy, đầu tư xe buýt tư nhân, giao thông công cộng là tư nhân, nhưng giá là có sự thỏa thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư, chứ không phải nhà đầu tư muốn thu bao nhiêu cũng được. Vì vậy, chúng ta chắc chắn phải có sự kiểm soát và quy hoạch các trạm thu phí BOT để bảo đảm tương ứng với mức thu nhập, mức sống của người dân.

Cần quy hoạch lại chủ trương đầu tư BOT theo chiến lược lâu dài gắn với sự tác động đến xã hội. BOT phải tính đến hiệu quả tổng hợp, cả của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Lãi của dự án BOT nói chung là có tính toán và thỏa thuận trước, vì vậy Nhà nước phải quản lý, kiểm soát và quy hoạch lại.

° Cảm ơn ông!

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục