- IMF dự báo Philippines dẫn đầu tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN
(SGGPO).- Ngày 4-4, khoảng 24.000 người Philippines đã được sơ tán khẩn cấp khi cơn bão Maysak xuất hiện ở ngoài khơi đảo Luzon, Đông Bắc Philippines.
Tàu thuyền vào bờ tránh bão
Trước đó, các quan chức tỉnh Aurora thông báo bão Mayak có thể biến thành siêu bão, có nguy cơ gây lụt và lở đất. Chính quyền địa phương đã phải tiến hành sơ tán người dân ở các làng ven biển để tránh bão, đề phòng nguy cơ sạt lở đất. Khoảng 10.000 du khách cũng được khuyến cáo tránh xa các bờ biển ở tỉnh Aurora.
Bắt đầu hình thành ở ngoài biển Thái Bình Dương, bão Maysak được dự báo sẽ suy yếu dần khi tiến vào đảo Luzon, đảo chính của Philippine, vào ngày 5-4. Cơ quan khí tượng thủy văn cho biết bão có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão đầu tiên trên biển Đông trong năm 2015.
Mỗi năm Philippines phải hứng chịu khoảng 20 cơn bão, trong đó nhiều trận bão gây tổn thất và thương vong nặng nề. Tuy nhiên, rất hiếm khi bão đổ vào nước này vào tháng 4 vì đây là mùa khô ở phần lớn các nước Đông Nam Á.
* Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 3-4 đã dự báo rằng nền kinh tế Philippines sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay, với sự hỗ trợ của chi tiêu tích cực hơn từ chính phủ.
IMF dự báo Philippines dẫn đầu tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN
Năm nay, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines ở mức 6,7%, cao hơn so với dự báo trước đó là 6,3% . Theo IMF, mức tiêu thụ của nước này dự kiến vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ nhiên liệu giá rẻ, tạo điều kiện cho người dân tiết kiệm được tiền và có thể sử dụng để thanh toán cho các hàng hóa khác.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Philippines đã dẫn đến mức thu nhập cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn trong năm vừa qua. Tốc độ tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2014 đã giúp Philippines trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực nhờ sự đóng góp của chi tiêu hộ gia đình, vốn cố định và xuất khẩu ròng.
Để đảm bảo quỹ đạo tăng trưởng hiện nay, IMF cho rằng Chính phủ Philippines nên tập trung vào cải cách cơ cấu để có được nguồn thu thuế cao hơn. Điều này sẽ cho phép nhà nước tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực quan trọng khác và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng nên theo đuổi một cuộc cải tổ chế độ thuế toàn diện và làm cho hệ thống này hợp lý hơn.
Hạnh Chi