Phim nhà nước 2009 có kịp... trở bộ?

Phim nhà nước 2009 có kịp... trở bộ?

Tham dự tranh giải Cánh diều vàng năm nay có 6 bộ phim truyện nhựa: Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng), Cú và chim se sẻ (Hãng Chánh Phương), Huyền thoại bất tử (Hãng Phước Sang), Giải cứu Thần Chết (Hãng Thiên Ngân), Đẹp từng centimet (BHD), Chuyện tình xa xứ (Hãng Thần Đồng). Trong số này chỉ có 1 phim nhà nước, 5 phim còn lại do các hãng tư nhân sản xuất…

Tư nhân lấn át

Phim nhà nước 2009 có kịp... trở bộ? ảnh 1

Diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải trong phim “Đẹp từng centimet”.

Chưa bao giờ phim nhà nước sản xuất lại quá thiếu vắng trong một cuộc tranh tài chuyên ngành do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Nhìn lại, các phim Đừng đốt bên trong đã có lửa (Hodafilm), Chơi vơi (Hãng Phim truyện 1), Trung úy (Hãng Phim truyện Việt Nam) được thông báo ở giai đoạn hậu kỳ từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh để dự giải.

Thêm nữa, một số kịch bản được coi nằm trong kế hoạch sản xuất năm 2008 như Hoa đào ơi hoa đào, Được sống, Tử hình, Mùi cỏ cháy đã được giao cho các hãng phim lớn thực hiện. Nhưng vì lý do nào đó, phim vẫn chưa có cơ hội được bấm máy.

Trong khi các hãng phim nhà nước có thể “ung dung” một số dự án làm phim thì các hãng phim tư nhân vốn năng động trong cung cách làm ăn đã nhanh chóng nghiên cứu thị hiếu khán giả, tính toán thị phần cho phim chiếu tết.

Kết quả họ đã “thắng đậm” qua doanh thu phim Giải cứu Thần Chết (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Đẹp từng centimet (Vũ Ngọc Đãng). Phim Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh) tuy doanh thu không bằng hai phim trên nhưng bù lại được báo chí đánh giá “có chiều sâu nghệ thuật”, “có cái để suy ngẫm”. Bên cạnh, bộ phim Chuyện tình xa xứ (Victor Vũ) vừa chiếu ra mắt rầm rộ trong dịp Valentine 14-2 cũng nhằm vào khán giả trẻ. Tổng kết doanh thu chắc sẽ được nhà sản xuất công bố chính thức qua “mùa tình yêu”.

Hiện nay, doanh thu bạc tỷ của các hãng phim tư nhân là chuyện đáng ghi nhận. “Vấn đề chiến lược” hơn là họ đã kéo được đông đảo khán giả ra rạp xem phim Việt, vì phim Việt bên cạnh quá nhiều phim nước ngoài ăn khách một cách đáng gờm như Đại chiến Xích bích, Câu chuyện bí ẩn của Benjamin Button, Chạng vạng… Cho nên, dẫu có ý kiến nhận xét về Giải cứu Thần Chết và Đẹp từng centimet còn hời hợt nội dung nhưng có lẽ với thế mạnh vận dụng được kỹ xảo điện ảnh và ngôn ngữ xi-nê đã là “điểm ghi bàn khá tốt” cho hai đạo diễn trẻ.

Trò chuyện với hai đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng cho thấy họ không hề chủ quan. Thành công của một bộ phim chiếu tết năm nay càng làm cho họ có cảm giác gánh thêm mối lo canh cánh khi nghĩ đến bộ phim sẽ thực hiện sắp tới. Phải nghĩ đến “trò” khác, chiêu khác phải làm sao “thâm hậu” hơn, có sức thuyết phục rộng rãi đối tượng khán giả.

Tuy nhiên, điểm lại tình hình sản xuất, phim của nhà nước hay của tư nhân đã trình chiếu hay đang được thực hiện chỉnh chu trong giai đoạn hậu kỳ, cho thấy: Thứ nhất, phim Việt Nam dẫu bị “mất mùa” nhưng đang mở rộng, phong phú đề tài từ chính luận, tâm lý xã hội, lãng mạn đến hành động, ca nhạc, giải trí… Thứ hai, song song với đội ngũ làm phim trong nước, những nhà làm phim trẻ Việt kiều từ nước ngoài đã có mặt trong hoạt động điện ảnh Việt Nam với cách tham gia tự bỏ vốn sản xuất; hoặc hợp tác với một đơn vị làm phim ở nước ngoài để chia sẻ rủi ro và tìm đầu ra từ thị trường ngoài nước (trường hợp hãng Chánh Phương hay hãng Thần Đồng hợp tác với In Focus Media Group của Mỹ).

Thách thức cổ phần hóa

Trong một lần trò chuyện, ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã phân tích tình hình điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập mới. Thị trường phim Việt Nam mở rộng, đó là cơ hội để chúng ta phấn đấu gia tăng số lượng sản xuất và nâng cao chất lượng của phim ở cả các mặt tư tưởng, thẩm mỹ, chuyên môn kỹ xảo, hiệu ứng… Trước mắt, trong tình hình hoạt động ngành nghề điện ảnh hiện nay lộ trình cổ phần hóa các hãng phim quá chậm và nguyên nhân chính vì đây là các đơn vị đặc thù làm nghệ thuật, ảnh hưởng sâu xa cơ chế bao cấp. Quan niệm nghề nghiệp nghệ thuật và tư duy kinh tế không song hành đồng bộ trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước đang ở giai đoạn hạn cuối cùng (năm 2008) và cơ chế đấu thầu phim đã được quy định tiến hành. Trên mặt bằng chung, gần như các hãng phim Giải Phóng, Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện 1, Hãng Hodafilm của Hội Điện ảnh… đều chuẩn bị những bước đi mới của cơ quan.

Tùy vị thế và cơ sở vật chất,  nhân sự, “chất xám”, mỗi hãng phim đều có ưu thế riêng cũng như bị hạn chế nhất định. Trong thời kỳ “bị lây lan” ảnh hưởng suy thoái kinh tế có thể cũng là nguyên nhân khách quan khiến những người trong cuộc một mặt muốn nhanh chóng bước nhanh qua con đường cổ phần hóa; một mặt lại ngại ngần về thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có bước đột phá lớn; việc tìm được đối tác cho đơn vị không dễ dàng như trước đây.

Như vậy, để chuẩn bị nhiều bước đi mới, tiếp tục thực hiện lộ trình cổ phần hóa ở các hãng phim nhà nước đang là một thách thức lớn của những người trong cuộc. Làm thế nào để kịp trở bộ với tình hình chuyển biến của điện ảnh?

Không thể tự “bó tay, bó chân” mãi, những nhà làm phim Việt Nam đã trăn trở khá lâu về câu chuyện cổ phần hóa. Và, như vậy, phương thức đấu thầu dự án làm phim sẽ tuyển chọn nhà sản xuất phù hợp (không phân biệt hãng nhà nước hay hãng tư nhân). Qua luật đấu thầu có ký kết hợp đồng và chịu chế tài sẽ là vấn đề “nóng”, có thể là cú hích mang lại sự chuyển biến năng động của điện ảnh Việt Nam, chuẩn bị bước qua đầu thập kỷ 2010.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục