Phim “Vịt kêu đồng” đoạt Cánh Diều Vàng, nhà biên kịch Nhất Mai: Tôi được an ủi rất nhiều

“Vịt kêu đồng” do Nhất Mai viết kịch bản (đạo diễn Phương Nam, TFS sản xuất, sẽ phát sóng thời gian tới trên HTV) là bộ phim truyện truyền hình dài 8 tập, vừa đoạt giải Cánh Diều Vàng 2009. Đây cũng là một trong những bộ phim hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất) nói về đời sống nông thôn Nam bộ trong số các phim dự thi. PV Báo SGGP đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với chị về bộ phim và nghề viết kịch bản.
Phim “Vịt kêu đồng” đoạt Cánh Diều Vàng, nhà biên kịch Nhất Mai: Tôi được an ủi rất nhiều

“Vịt kêu đồng” do Nhất Mai viết kịch bản (đạo diễn Phương Nam, TFS sản xuất, sẽ phát sóng thời gian tới trên HTV) là bộ phim truyện truyền hình dài 8 tập, vừa đoạt giải Cánh Diều Vàng 2009. Đây cũng là một trong những bộ phim hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất) nói về đời sống nông thôn Nam bộ trong số các phim dự thi. PV Báo SGGP đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với chị về bộ phim và nghề viết kịch bản.

* PV: Cảm giác chị ra sao khi “Vịt kêu đồng” đoạt Cánh Diều Vàng 2009?

Nhà biên kịch Nhất Mai
Nhà biên kịch Nhất Mai

* Nhà biên kịch NHẤT MAI: Tôi rất vui và rất cảm ơn tất cả những người cùng góp sức làm nên bộ phim này.

* Những đề tài khác thường dễ được đầu tư, dễ thực hiện, vì sao chị lại chọn đề tài được coi là khó, một góc cuộc sống ở nông thôn?

* Đúng là viết rồi mới thấy khó. Nhưng lỡ thích rồi, đúng hơn là xúc cảm, vì ngay từ nhỏ tôi đã có ấn tượng mạnh về hình ảnh bầy vịt, người chăn vịt cô đơn giữa trời nước mênh mông. Từ bối cảnh, màu sắc đều mang một nét đẹp rất lãng mạn, đặc trưng Nam bộ. Cho đến khi đọc được bài ký của Trần Thôi nói về nghề nuôi vịt chạy đồng, những khắc nghiệt trong đấu tranh sinh tồn giữa con người với con người, giữa con người với thiên tai dịch bệnh, tôi càng bị ám ảnh và Vịt kêu đồng ra đời từ đó.

* Chị gặp thuận lợi hay khó khăn gì khi làm việc với đạo diễn Phương Nam?

* (Cười) Nói chung, giữa biên kịch và đạo diễn phải có “duyên” mới gặp nhau được. Cũng không ít đạo diễn “chê” kịch bản Vịt kêu đồng khó thực hiện vì diễn viên phải “diễn” với vịt, phải lên bờ xuống ruộng, phải đi về vùng sâu vùng xa, phải ở dơ...

* Điều gì chị thấy tâm đắc nhất ở kịch bản và cả bộ phim này?

* Chúng tôi đã “sống” được đời sống thật của dân quê tôi trong nghề nuôi vịt chạy đồng. Nhưng thật ra, đó chỉ là một góc nhỏ của xã hội nông thôn thu nhỏ. Cho đến bây giờ, thật sự tôi cảm thấy chúng ta vẫn chưa có những bộ phim “đinh” về nông thôn Nam bộ so với miền Bắc. Điều đó, hình như đòi hỏi phải có người “chịu khó” viết và có đạo diễn “chịu khó” làm. Có như thế, tôi nghĩ mới có những tác phẩm truyền hình đáng cho người xem phải nghĩ ngợi.

* Xu hướng làm phim truyện truyền hình VN gần đây là chuyển thể từ những bộ phim nổi tiếng ăn khách của Hàn Quốc. Quan điểm của chị về vấn đề này?

* Nhà sản xuất thường hay lấy lý do kịch bản trong nước vừa yếu vừa thiếu, nên họ phải “nhập” hàng ngoại, đó là quyền của người đầu tư. Nhưng thực ra, cho đến giờ phút này, chưa có bộ phim nào chuyển thể từ kịch bản “nhập” được dư luận, người xem đánh giá cao.

* So với những tay viết chuyên nghiệp, hình như chị viết rất ít, nhưng hay được giải? Chị có “nuôi” một kịch bản nào khác sau “Vịt kêu đồng” không?

* Theo tôi, sáng tác giống như tình yêu vậy, mà tình yêu thì đâu thể tràn lan được, nên cần cô đọng, chắt lọc những tinh túy của người viết. Cho nên, sau Vịt kêu đồng, có lẽ tôi sẽ tiếp tục… ở không.

* Cái khó nhất hiện nay với nhà biên kịch là gì ?

* Không phải là khó mà chính là khổ. Cái khổ thứ nhất là biên kịch hay bị… “bỏ quên”. Cái khổ thứ hai là phải “nhịn” đạo diễn. Giao đứa con tinh thần cho người ta nuôi, sau đó coi như… hên xui.

* Với Cánh Diều Vàng 2009 cho phim truyện truyền hình “Vịt kêu đồng”, chị có hài lòng với chính mình?

* Tôi thấy mình được an ủi rất nhiều. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục