Là người sẽ chủ trì phiên họp toàn thể của QH cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TPHCM, hôm qua 24-5, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên (ảnh) đã trao đổi thẳng thắn với báo chí quan điểm của ông về dự án này.
° PV: Thưa Phó Chủ tịch QH, qua thảo luận tại các tổ ĐB, nhiều ĐBQH cho rằng, họ cần có thêm thông tin để xem xét, đánh giá trước khi bấm nút biểu quyết chủ trương đầu tư dự án ĐSCT Hà Nội - TPHCM. Phó Chủ tịch bình luận gì về vấn đề này?
° Phó Chủ tịch QH NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Qua thảo luận còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tôi đồng ý với việc cần có thêm thông tin và cũng đã yêu cầu Chính phủ căn cứ vào bản tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ; căn cứ báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) lọc ra những vấn đề nổi cộm để giải trình đầy đủ hơn. Tùy độ dài của báo cáo giải trình mà bản báo cáo này có thể gửi để ĐB nghiên cứu, hoặc có thể được trình bày trực tiếp tại hội trường. Nhưng dù theo cách nào, báo cáo phải thể hiện được lợi ích của việc xây dựng dự án đối với các ngành, các lĩnh vực, từ đó tạo điều kiện thực hiện chủ trương xã hội hóa về vốn. Dự án khổng lồ này cần được chia thành những dự án thành phần và làm rõ vốn cho các dự án thành phần lấy từ đâu, trong đó vốn Nhà nước là bao nhiêu, vốn các tổ chức kinh tế bao nhiêu. Như vậy ĐBQH mới có cơ sở đưa ra ý kiến xác đáng.
° Cụ thể việc chia dự án thành các dự án thành phần thực hiện như thế nào?
° Tôi cho rằng ít nhất có thể chia thành 4 dự án thành phần: đường, cầu, giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư và các nhà ga. Có thể đường do Nhà nước đầu tư, cầu xây dựng bằng vốn tư nhân, rồi GPMB gắn với khu đô thị, khu, cụm công nghiệp và do nhà đầu tư khu đô thị, khu, cụm công nghiệp bỏ vốn. Bởi vì nhà ga không phải chỉ chỗ để lên xuống đợi tàu mà có thể trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, thậm chí là trung tâm khu công nghiệp nữa. Nguồn vốn của Nhà nước sẽ có ý nghĩa xúc tác, nói nôm na là “vốn mồi”.
° Một số địa phương không có đường sắt đi qua sẽ bị thiệt thòi và không mặn mà với dự án?
° Cần phải thấy dự án có tác động lan tỏa gần - xa, từ đó sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận.
° Liệu có nên trưng cầu dân ý về dự án này, thưa ông?
° Có nhiều cách để tìm hiểu ý nguyện của người dân. Chúng ta có các mạng thông tin của Chính phủ, của QH, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo… Luật của chúng ta hiện nay chưa quy định hình thức trưng cầu dân ý theo cách một số nước đang làm.
° Có nhà khoa học cho rằng chúng ta không nên hy vọng nhà tài trợ cho vay để làm dự án ĐSCT dài hơn của họ?
° Điều này còn phải nghiên cứu thấu đáo hơn, lắng nghe nhiều chiều.
° Nhiệm kỳ của QH khóa XII đã sắp kết thúc, liệu có nên để QH khóa sau quyết định chủ trương đầu tư dự án này để có thêm thời gian phân tích và cân nhắc?
° Từ khi có chủ trương đầu tư cho đến khi chuẩn bị đủ điều kiện để thực sự khởi động dự án thường phải mất trên dưới 8 năm, đâu phải ngày một ngày hai. Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng mất 6 - 8 năm, phụ thuộc vào năng lực quản lý, văn hóa, trình độ của những người tham gia và khả năng đáp ứng của nền kinh tế. Ở kỳ họp này, QH mới chỉ quyết định chủ trương đầu tư chứ chưa quyết định những vấn đề cụ thể
ANH THƯ thực hiện
Thông tin liên quan |
- Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM: Nỗi lo hậu quả của “giấc mơ đẹp” |