
Ngày 16-3 tới đây, Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) của TPHCM tròn 10 tuổi. Nơi đây nay đã trở thành khu công nghệ thông tin tập trung lớn nhất nước và có tên trên bản đồ công nghiệp phần mềm thế giới. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) - người mà 10 năm trước, khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã hạ quyết tâm biến khu Trung tâm Triển lãm Quang Trung ở quận 12 hoạt động kém hiệu quả thành “căn cứ địa phần mềm” của cả nước - đã có cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP về chặng đường xây dựng và phát triển CVPMQT.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Khắc Văn
- Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: Cách đây 10 năm khi UBND TPHCM quyết định triển khai CVPMQT, một mặt chúng ta lạc quan điều đó sẽ thực hiện được nhưng một mặt cũng hết sức lo lắng.
Theo phân công của lãnh đạo TP, lúc đó tôi dẫn một đoàn cán bộ, chuyên gia đến Bangalore (Ấn Độ) để xem người ta làm phần mềm (PM) và tận mắt thấy quy mô thật khổng lồ. Sau đó đến Thái Lan, thấy CVPM của họ cũng không lớn lắm. Về Việt Nam, chúng tôi xác định, với năng khiếu về toán học và tin học của người Việt Nam, với quyết tâm của Chính phủ, của lãnh đạo TPHCM về phát triển công nghiệp PM, chắc là chúng ta sẽ làm được một công viên PM làm vai trò điểm tựa cho công nghiệp PM còn rất non trẻ của TPHCM.
Ngày ra mắt, CVPMQT chỉ có 21 doanh nghiệp (DN) với 250 lao động. Mục tiêu đặt ra lúc đó là sau 10 năm, số người làm việc và học tập tại CVPMQT là 10.000 người. Bây giờ, tại đây đã có 22.000 người học tập và làm việc. Về đầu tư, chúng ta giao cho CVPMQT nhiệm vụ sử dụng đầu tư của nhà nước để thu hút đầu tư của tư nhân vào đây. Qua 10 năm, trong tổng số vốn 1.800 tỷ đồng đầu tư vào CVPMQT thì vốn của nhà nước là trên 200 tỷ đồng. Như vậy, bình quân cứ 1 đồng đầu tư của nhà nước vào CVPMQT, chúng ta thu hút được trên 7 đồng đầu tư của tư nhân.
Điều mong muốn nữa vào lúc đó là làm thế nào trong CVPMQT, bên cạnh các DN Việt Nam còn có các DN nước ngoài làm PM. Hiện nay, trong số 101 DN làm việc ở CVPMQT, có 47 DN nước ngoài. Trong đó phải nhắc đến Trung tâm Dịch vụ điện toán đám mây của Tập đoàn IBM và theo kế hoạch ngày 16-3 tới đây, Tập đoàn HP sẽ khai trương Trung tâm PM và dịch vụ tầm vóc tại CVPMQT.
Nhìn lại 10 năm “sống chết” với CVPMQT, hồi hộp với CVPMQT, bây giờ CVPMQT trưởng thành, phát triển như vậy, chúng tôi thấy hết sức vui mừng. Quy mô đầu tư, doanh số, khách hàng ở CVPMQT đã tăng vượt bậc. Bên cạnh đó, CVPMQT đã thực sự là “bà đỡ” cho các DN PM mới. Và nói đến thành công của CVPMQT cũng không thể không nhắc đến trình độ quản lý của CVPMQT hiện đã đạt tương đương trình độ của các CVPM tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, tên CVMPQT đã được thừa nhận ở khu vực châu Á và nhiều nước trên thế giới. Tháng 1 vừa qua, CVPMQT đã được bầu làm Chủ tịch Liên minh các CVPM châu Á và châu Đại Dương (SPA) nhiệm kỳ 2011.

Các lập trình viên của Công ty GCS đang làm việc tại CVPMQT. Ảnh: V.H.
- Hiện tại, các DN PM Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, thị trường, cơ sở hạ tầng, thương hiệu…, bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong năm 2011 và những năm tới, Chính phủ sẽ hỗ trợ gì để tháo gỡ các khó khăn này?
Năm 2005, doanh số ngành công nghiệp PM cả nước chỉ đạt 250 triệu USD. Lúc đó, nhiều người cho rằng chỉ tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2010 là không thể hiện thực. Thế nhưng năm 2010, doanh số công nghiệp PM Việt Nam đã vượt 1 tỷ USD. Nếu thời gian vừa qua chất lượng nhân lực làm PM chúng ta không tốt thì ngành công nghiệp PM Việt Nam không thể có doanh số 1 tỷ USD được. Muốn phát triển nhân lực tốt, không chỉ dựa hoàn toàn vào nhà trường. Nhà trường là nơi đào tạo nhân lực cho xã hội. Các DN là người có nhu cầu cụ thể, phải tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực. Thời gian qua, việc kết nối DN và nhà trường còn bị đứt quãng. Tới đây, sẽ có các chương trình và hoạt động quyết liệt trong công tác này. Chính phủ cũng vừa thiết lập quy hoạch nguồn nhân lực ở cấp toàn quốc, ngành và địa phương.
Nhà nước sẽ triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường. Ngay trong năm 2011, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tổ chức một hội nghị lớn về xúc tiến thị trường công nghệ thông tin và PM. Ngày 31-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký chương trình “Sản phẩm quốc gia”, trong đó có dành cho nhóm sản phẩm PM. Các sản phẩm này sẽ được hỗ trợ mạnh để vươn ra thị trường quốc tế. Sản phẩm PM diệt virus, an ninh mạng của Việt Nam chẳng hạn, hoàn toàn có thể vươn mạnh ra thị trường quốc tế.
Còn khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin thì chính các khu PM tập trung là lời giải. Các DN vào đây sẽ được hưởng hạ tầng công nghệ thông tin cùng môi trường làm việc tốt hơn ở ngoài.
- Thành công của CVPMQT cùng với xu thế phát triển của ngành công nghiệp PM, dẫn đến suy nghĩ phải mở thêm các khu PM tập trung ở một số địa phương khác trên cả nước. Để các khu PM tập trung mới thành lập đi vào hoạt động có hiệu quả, thì trước hết chúng ta phải làm gì, thưa Phó Thủ tướng?
Kinh nghiệm qua 10 năm ở CVPMQT tạo tiền đề để Bộ Thông tin - Truyền thông và các địa phương khác lập thêm các khu PM tập trung mới. Chúng ta phải nhân rộng mô hình CVPMQT bằng cách biến kinh nghiệm quản lý qua 10 năm của CVPMQT thành trình độ quản lý khởi đầu ở các khu PM tập trung mới.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
* Theo nguồn tin của Báo SGGP, UBND TPHCM vừa tiếp nhận và giao Công ty Phát triển CVPMQT một khu đất 5,8ha ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (trước đây thuộc Đài Phát sóng phát thanh Quán Tre), để mở rộng diện tích CVPMQT lên thành 48,8ha. |
Khắc Văn (thực hiện)