Phối hợp giữa gia đình - nhà trường

Vai trò của hiệu trưởng
Phối hợp giữa gia đình - nhà trường

Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

Giáo dục ý thức về an toàn giao thông (ATGT), trong đó có việc tăng cường đội nón bảo hiểm cho học sinh tiểu học đang là một trong những vấn đề trọng điểm của năm học 2013-2014. Ngoài việc đưa ATGT vào một trong những nội dung chính của chương trình giáo dục công dân, các trường còn tổ chức hàng loạt cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông, đóng kệ treo nón bảo hiểm ngay tại lớp học, cử đội trật tự viên điều phối giao thông trước cổng trường…

Học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM nhận nón bảo hiểm qua các chương trình ATGT.

Học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM nhận nón bảo hiểm qua các chương trình ATGT.

Vai trò của hiệu trưởng

Nhớ lại cái khó của những ngày đầu triển khai chương trình giáo dục ATGT, bà Võ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn (huyện Bình Chánh TPHCM) cho biết: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh từ Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, tôi đã phổ biến ngay cho giáo viên. Ban đầu, các thầy cô đều không mấy mặn mà. Nguyên nhân là do khối lượng công việc hàng ngày ở trường đã quá lớn, nay thêm nội dung ATGT sẽ tạo thêm áp lực đối với giáo viên. Rất may là sau khi nghe tôi trình bày về sự cần thiết của việc giáo dục ATGT trong nhà trường, các thầy cô đều hết lòng ủng hộ. Bí quyết của người hiệu trưởng vừa mới nhận nhiệm vụ ở ngôi trường vùng ven đó là dùng tình cảm tác động vào tấm lòng yêu thương học trò.

“Sẽ không có giáo viên nếu lớp học không còn học sinh. Hơn nữa mỗi thầy cô giáo cũng là những người cha, người mẹ. Tôi đã dùng chính tình cảm yêu thương đó để kêu gọi mọi người chung tay góp sức giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh”, cô Vân bày tỏ. Chính nhờ có sự quyết tâm, từ chỗ động viên được các thầy cô giáo lồng ghép nội dung ATGT vào các bài giảng chính khóa, cô còn trích một phần kinh phí hoạt động của nhà trường để đóng kệ treo nón bảo hiểm ngay trong từng lớp học. Cô Vân chia sẻ: “Một khi đã có chỗ treo nón, nhìn thấy các bạn xung quanh ai cũng đội nón bảo hiểm và mang vào lớp treo, các em sẽ dần hình thành thói quen đội nón bảo hiểm mỗi khi lưu thông trên đường”.

Đồng quan điểm, bà Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9) - một trong những đơn vị tổ chức ngày hội “Vui cùng giao thông” do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Ban ATGT TPHCM phát động tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận 9, cho biết: Giáo dục kiến thức về ATGT cho học sinh, đặc biệt các em ở khối tiểu học cần vận dụng nhiều hình thức trực quan sinh động như vẽ tranh, quay video clip, lồng ghép vào các tiết mục văn nghệ như hát, múa, diễn kịch… để các em hiểu được tầm quan trọng của việc đội nón bảo hiểm. Ngoài ra, cần có sự quyết tâm và kiên trì để việc đội nón bảo hiểm nói riêng và chấp hành luật giao thông nói chung trở thành thói quen hàng ngày của học sinh.

Thực tế ở nhiều trường hiện nay, khi được hỏi về quy định độ tuổi bắt buộc đội nón bảo hiểm, tất cả học sinh đều trả lời đúng, nhưng kết quả thống kê 9 tháng đầu năm 2013 về tình hình người dân chấp hành luật giao thông, do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á thực hiện, chỉ có khoảng 48,6% trẻ em trong độ tuổi 6 - 11 tuổi có đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường.

Cần sự phối hợp từ gia đình

Ngoài vai trò giáo dục của nhà trường, phụ huynh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành thói quen đội nón bảo hiểm của học sinh. Bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: Chúng tôi rất mừng vì năm nay các dự án về tăng cường đội nón bảo hiểm cho trẻ em chú ý hơn đến việc tiếp cận phụ huynh học sinh. Điều đó thể hiện thông qua việc lắp đặt các biển tuyên truyền, phát tờ rơi, quảng cáo cho phụ huynh ngay tại cổng trường. Cách làm này mang lại hiệu quả cao và duy trì lâu dài tỷ lệ đội nón bảo hiểm trong học sinh tiểu học.

Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Chương trình quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho biết, một thực tế đáng buồn hiện nay là sau khi học sinh được tặng nón bảo hiểm ở trường, các em mang về nhà và sau đó những chiếc nón này được nhiều ba mẹ đem đi bán, rồi đi tìm mua các loại nón bảo hiểm với giá 15.000 - 20.000 đồng/nón bảo hiểm, chất lượng chưa được cơ quan quản lý nào kiểm soát cho con mình đội. Ngoài ra, có đến 2/3 phụ huynh khi làm khảo sát cho biết có thói quen đội nón bảo hiểm khi cần đối phó với lực lượng CSGT, có tâm lý chủ quan, tin tưởng vào khả năng lái xe của mình mà không cần đội nón bảo hiểm, sợ đội nón bảo hiểm sẽ làm mất thời gian, vướng víu khi lưu thông trên đường. Khi xảy ra tai nạn đáng tiếc, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

Để việc đội nón bảo hiểm trở thành thói quen hàng ngày của học sinh, ngoài sự tích cực giáo dục từ phía nhà trường, cần có sự chung tay góp sức của gia đình. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định: “Đội nón bảo hiểm cho học sinh ngay từ khi mới bước chân vào lớp 1 là một việc làm đúng đắn và cần duy trì lâu dài cho đến khi các em trưởng thành. Đặc biệt đối với các trường nằm ngay trên các tuyến quốc lộ, trường có tỷ lệ học sinh đi xe máy đến trường cao”.

Theo một kết quả điều tra, tỷ lệ đội nón bảo hiểm cho trẻ em tại 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM do các sinh viên Trường ĐHQG Hà Nội thực hiện từ tháng 3-2011 đến tháng 9-2012 cho thấy, có đến 90,2% phụ huynh học sinh biết quy định về đội nón bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi khi tham gia lưu thông. Nhưng thực tế chỉ có 11,4% học sinh tiểu học ở Hà Nội và 50,3% học sinh tiểu học ở TPHCM có đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục