Phòng cháy trong giai đoạn bình thường mới

Chỉ cần vài phút lơ là, hỏa hoạn có thể bùng phát và cướp đi sinh mạng, tài sản của người dân. Vì vậy, đề phòng giặc lửa là một việc làm rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế như hiện nay.
 Hình ảnh cảnh sát PCCC giải cứu nạn nhân trong vụ cháy tại quận 4 khiến nhiều người xúc động
Hình ảnh cảnh sát PCCC giải cứu nạn nhân trong vụ cháy tại quận 4 khiến nhiều người xúc động

Tiếng chuông cảnh báo

Khoảng 20 giờ 36 phút ngày 3-4, người dân một phen khiếp vía khi nhìn thấy một ngôi nhà bỗng chốc sáng rực cả khu phố trên đường Lũy Bán Bích (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú). Ngay sau đó, nhiều tiếng nổ lớn phát ra khiến ngôi nhà trở thành một ngọn đuốc giữa đêm. Ngay lập tức, có người đã gọi điện đến tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM để cầu cứu.

Nhận tin báo, hàng chục cán bộ chiến sĩ (CBCS) PC07 được điều động đến chữa cháy. Qua quá trình trinh sát tại hiện trường, lực lượng cảnh sát phát hiện vẫn còn 5 nạn nhân kẹt lại trong đám cháy. Cảnh sát đã nhanh chóng tìm kiếm, giải cứu 1 nạn nhân và hướng dẫn cho 3 người khác tự thoát ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, 1 nạn nhân không may tử vong trước khi lực lượng cảnh sát tìm thấy. Hiện trường là nhà ở kết hợp kinh doanh mua bán giày, dép. Trong nhà có nhiều dung môi, hóa chất và aceton dễ bắt lửa. Khi lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường thì đám cháy đã lan rộng, rất nguy hiểm. Sau hơn 2 tiếng tích cực triển khai phương án chữa cháy từ nhiều hướng, lực lượng PCCC mới khống chế được ngọn lửa.

Chiều ngày 4-10, “bà hỏa” lại xuất hiện tại ngôi nhà trên đường Đoàn Như Hài (phường 13, quận 4). Sự việc xảy ra bất ngờ khiến chủ nhà không kịp trở tay, bị kẹt lại trong nhà. Ngay sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an quận 4 và CBCS Phòng PC07 đã có mặt tại hiện trường.

Phát hiện hai vợ chồng chủ nhà vẫn còn kẹt lại trong đám cháy nên lực lượng cảnh sát lập tức xông vào tìm kiếm nạn nhân. Sau vài phút căng thẳng, người dân mới thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến hình ảnh một chiến sĩ PCCC bế người đàn ông từ biển lửa ra ngoài. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn T (SN 1956, chủ nhà). Riêng vợ ông T là bà Lại Thị U (SN 1958) cũng được cảnh sát hướng dẫn thoát ra ngoài an toàn. Ngọn lửa đã thiêu rụi một số đồ đạc của tầng 2 ngôi nhà (1 trệt, 6 lầu, tổng diện tích 420m2)…

Kiểm tra hệ thống điện thường xuyên 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời điểm giãn cách xã hội, sự cố cháy nổ được kéo giảm đáng kể. Không chỉ tại TPHCM, thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn cũng giảm rõ rệt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây chính là một điều đáng ghi nhận và cần được phát huy trong thời gian tới.

Những vụ cháy xuất hiện trong tuần đầu tiên của tháng 10 - thời điểm người dân bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại sau 4 tháng giãn cách - là một hồi chuông cảnh báo tai nạn cháy nổ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

“Có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy nổ. Trong đó, tập trung vào nguyên nhân sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nguyên nhân thứ hai là việc chấp hành các quy định, điều kiện an toàn với các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình chưa nghiêm dẫn đến các sự cố cháy nổ”, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng Phòng PC07 nhận định.

Trong những ngày qua, Phòng PC07 đã tổ chức hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình tái hoạt động, sản xuất. Theo đó cần chú trọng kiểm tra, bảo trì, sửa chữa lại hệ thống điện và các trang thiết bị, phương tiện PCCC. Phòng PC07 chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chú trọng an toàn PCCC. Đặc biệt, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đảm bảo lối thoát nạn khi có sự cố phát sinh.

Bởi lẽ, chỉ cần lơ là vài phút, ngọn lửa có thể bùng lên, lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tổn thất về tài sản. Thực tế, thiệt hại do cháy nổ gây ra không thể đong đếm bằng các con số, nhiều vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của người lao động duy nhất trong gia đình. Chính vì vậy, nâng cao cảnh giác với giặc lửa luôn cần thiết mà người dân cần ý thức mọi lúc, mọi nơi.

Theo Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, Bộ Công an, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước xảy ra 1.723 vụ cháy khiến 72 người chết, 104 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 332,9 tỷ đồng. Cảnh sát đã trực tiếp cứu 323 nạn nhân trong các vụ cháy và hướng dẫn thoát nạn cho hàng ngàn người khác. Ngoài ra, cả nước xảy ra 18 vụ nổ làm 10 người chết và 10 người bị thương. Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã trực tiếp CNCH 806 vụ tai nạn, sự cố. Qua đó cứu được 283 người, tìm được 459 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Đã có 1.018 vụ cháy (trong tổng số 1.723 vụ) được điều tra làm rõ nguyên nhân. Đáng lưu ý, có đến 690 vụ (khoảng 40%) có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 249 vụ cháy do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (14,45%); 38 vụ cháy do sự cố kỹ thuật (2,21%)…

Tin cùng chuyên mục