Phòng khám tư bát nháo, xử phạt như "bắt cóc bỏ đĩa"

Ném đá ao bèo
Phòng khám tư bát nháo, xử phạt như "bắt cóc bỏ đĩa"

Mặc dù các quy định đã siết chặt trong những năm gần đây, nhưng tình trạng phòng khám tư nhân hoạt động quá phạm vi cho phép, sai phép vẫn tràn lan. Chưa kể, tình trạng phòng khám có người nước ngoài hành nghề, cụ thể là người Trung Quốc, vẫn “lộng hành” khiến người bệnh tiền mất, tật mang. Câu hỏi lớn đặt ra: Có phải công tác quản lý đang có những lổ hỗng lớn hay có sự thờ ơ, thiếu kiểm soát, thậm chí “chống lưng”?

Vô tư hoạt động sai phép

Mới đây, bệnh nhân N.K.Hưng (34 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã phản ứng khi anh đến chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa 3 Tháng 2 (số 1505, phường 16, quận 11, TPHCM). Anh Hưng đến khám bệnh trĩ và được phòng khám phẫu thuật trĩ. Giấy ra viện của phòng khám cấp cho anh Hưng với chẩn đoán “tiểu phẫu trĩ”, do bác sĩ trưởng khoa điều trị có tên Yang Hui ký. Tuy  nhiên, khi anh Hưng đem giấy xuất viện và hồ sơ bệnh án đến Công ty Bảo hiểm PVI (TPHCM) để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm chi phí điều trị (anh Hưng mua bảo hiểm khám bệnh tại PVI) thì không được. Lý do là sau khi gửi công văn xác minh đến Sở Y tế TPHCM, Công ty Bảo hiểm PVI nhận thấy Phòng khám Đa khoa 3 Tháng 2 đã hoạt động sai phép. Theo công văn của Sở Y tế, Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa 3 Tháng 2 chưa được phê duyệt kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật trĩ. Như vậy đã rõ, mặc dù chưa được cấp phép phẫu thuật trĩ nhưng Phòng khám Đa khoa 3 Tháng 2 vẫn cố tình làm! Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, đại diện phòng khám vẫn chống chế rằng chỉ là do “viết nhầm trên giấy xuất viện”!...

Tương tự, mới đây, ông Dương Minh Đức (55 tuổi, ở quận Tân Phú) cùng một số người thân ở Hà Nội đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng phản ánh Phòng khám Đa khoa Bác Ái (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) cấy tế bào gốc chữa bệnh, nhưng bệnh không hết mà còn mang thêm tật, tiền thì mất. Vốn dĩ ông Đức bị bệnh tiểu đường từ 15 năm qua. Tháng 1-2015, có người giới thiệu ông Đức đến Phòng khám Đa khoa Bác Ái chữa trị tiểu đường bằng phương pháp cấy tế bào gốc với cam kết lành bệnh 100%, chi phí trọn gói là 130 triệu đồng. Theo đơn trình bày, ông Đức được chữa trị bằng phương cách rút 35ml máu trong người ra để nuôi tế bào. Ba ngày sau, tế bào phát triển, Phòng khám đa khoa Bác Ái cấy trở lại cơ thể của ông Đức. Sau 3 tháng thực hiện chữa trị, lượng đường trong máu không giảm mà còn tăng vọt. Chưa hết, ông Đức bị biến chứng các ngón tay và 2 bàn chân phải phồng rộp, sưng to kèm đỏ bầm, phải vào Bệnh viện Nhân dân 115 theo dõi vì hoại tử… Được biết, theo giấy phép của Sở Y tế cấp cho Phòng khám đa khoa Bác Ái thì nơi này không được cho phép cấy tế bào gốc.

Phòng khám Đa khoa 3 Tháng 2 - nơi vi phạm phẫu thuật trĩ trái phép

Dư luận cũng vô cùng bất bình khi Phòng khám đa khoa H.B. (đường Hồng Bàng, quận 6) vừa bị phanh phui khám bệnh theo kiểu “chặt chém” mà bệnh vẫn hoàn bệnh! Một bệnh nhân đã phải kêu cứu vì bị “chặt chém” hết 37 triệu đồng chỉ trong một buổi sáng. Với triệu chứng bệnh ngứa ngáy vùng mông gần hậu môn, phòng khám nói trên “vẽ” cho bệnh nhân nào đi soi cổ tử cung, đốt laser… Tuy nhiên, bệnh không hết nên bệnh nhân đến phòng khám tư của một bác sĩ công tác tại một bệnh viện công và được kết luận chỉ là lác đồng tiền, sau vài lần bôi thuốc, tình trạng ngứa của chị giảm hẳn...

Ném đá ao bèo

Cuối tháng 11 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Y học cổ truyền T.Đ. (Phòng khám T.Đ., đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) với mức đề xuất xử phạt là 375 triệu đồng. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Bùi Minh Trạng, tại thời điểm kiểm tra, Phòng khám T.Đ. đang mở cửa hoạt động với hàng loạt sai phạm. Trước đó, Thanh tra Sở Y tế cũng đã có tờ trình đề xuất UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phòng khám đa khoa H.B. (quận 6) với mức 142,4 triệu đồng vì nhiều vi phạm.

Thực tế, những vụ kiểm tra xử phạt như trên chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cũng như hoạt động hành nghề y tư nhân, nhưng thực tế hậu kiểm vẫn cho thấy không ít cơ sở sai phạm. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Luật Khám bệnh chữa bệnh và Thông tư 41 đã quy định rất cụ thể việc thẩm định, cấp phép đối với các phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, PGS Lương Ngọc Khuê thừa nhận tình trạng “cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo” vẫn xảy ra. Trong hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh hậu kiểm có vai trò rất quan trọng đưa hoạt động y tư nhân vào quy cũ. Song, hầu hết Sở Y tế các địa phương vẫn còn lỏng lẻo!

Theo Bộ Y tế, hiện từ bộ đến sở các tỉnh thành chỉ có 240 cán bộ thanh tra y tế nên rất khó quán xuyến hết hàng ngàn phòng khám, phòng mạch tư! Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2014 thanh kiểm tra 7.704 cơ sở nhưng chỉ tước chứng chỉ hành nghề của 1 cá nhân, tước giấy phép hoạt động của 1 cơ sở! Đó là chưa kể, hoạt động phòng khám tư nhân hiện nay có những “chiêu bài” để lách luật, tinh vi hơn. “Muốn thành lập phòng khám hiện nay thì có đường dây lo từ A đến Z, bảo kê luôn”, một giám đốc phòng khám bật mí. Thậm chí, rất nhiều trường hợp bị phát hiện sai phạm, bị xử phạt, đình chỉ thì sau đó chỉ cần “thay tên đổi họ” cơ sở là tiếp tục hoạt động…

Sở Y tế TPHCM cho biết, từ 1-1-2012 đến nay, đã cấp hơn 5.000 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Dự kiến đến năm 2016, số lượng đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề là trên 30.000 người và cấp giấy phép hoạt động trên 7.000 cơ sở.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục