Bộ Y tế vừa ghi nhận một ổ dịch bệnh có nguyên nhân từ virus Coxsackie, gây bệnh đường đường ruột tại 3 xóm thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Hình ảnh virus Coxsackiequa kính hiển vi
Hầu hết đối tượng mắc bệnh là trẻ từ 2 - 22 tháng tuổi với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh. Đến nay có 7 trường hợp tử vong.
Qua khai thác triệu chứng cho thấy, các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn), một số trường hợp có ho, khó thở, sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, ngủ li bì và tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng, cán bộ y tế huyện thuộc vùng sâu, vùng xa không đủ năng lực chẩn đoán và chưa có kinh nghiệm điều trị. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm và cho kết quả 2 mẫu dương tính với virus Coxsackie A6, không có mẫu nào dương tính với virus cúm. Việc lây truyền căn bệnh này do có tiếp xúc với dịch mũi họng và phân, cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm (gồm người bệnh và người lành mang trùng).
Virus coxsackie là một Enterovirus có khả năng sinh sôi trong đường tiêu hóa, ổn định trong môi trường acid, kể cả acid dịch dạ dày. Giống như các virus đường tiêu hóa khác, nhiễm virus coxsackie phổ biến nhất vào mùa hè. Virus gây ra một số hội chứng trên lâm sàng như: viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay chân miệng, viêm màng ngoài tim, đái tháo đường... Virus coxsackie gây ra các hội chứng lâm sàng sau: Viêm màng não vô khuẩn và viêm não (bệnh nhân viêm màng não vô khuẩn điển hình có cơn sốt đột ngột kèm ớn lạnh, nhức đầu, sợ ánh sáng và đau khi vận động mắt, buồn nôn, nôn, lơ mơ, cổ cứng, tăng bạch cầu lympho trong dịch não tủy nhưng không có biến đổi các thành phần sinh hóa). Sau thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, bệnh nhân thấy sốt đột ngột kèm uể oải, nhức đầu. Có những trường hợp kèm triệu chứng đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau họng, ho… Bệnh kéo dài từ 3 - 4 ngày và hầu hết giảm sau một tuần.
Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do virus Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh môi trường…
LAN PHƯƠNG (Cục Y tế dự phòng)