Phòng tránh Covid-19 ở người cao tuổi

Cả nước hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Theo thống kê, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi mắc 2,6 bệnh; trên 80 tuổi mắc 6,8 bệnh. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.

Tỷ lệ mắc cao, nhiều biến chứng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng 17-8, cả nước ghi nhận 24 trường hợp mắc Covid-19 tử vong, trong đó có 19 người trên 60 tuổi. Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng như suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, đối với người trưởng thành, nguy cơ mắc Covid-19 nặng tăng theo độ tuổi; người lớn tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Người mắc Covid-19 nặng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí tử vong. Do tính chất lây lan nhanh và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 chủng mới, người dân, đặc biệt là nhóm tuổi người già cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

Bác sĩ Lê Hồng Nga phân tích, ở người cao tuổi xuất hiện sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, hệ thống mạch máu… khiến sức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Do đó, hệ hô hấp cũng yếu đi dần theo thời gian, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém. Vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 chủng mới rất cao. Bên cạnh đó, hầu hết người cao tuổi cũng thường mang theo nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh.

“Khi bị nhiễm virus, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn ở người cao tuổi, diễn biến bệnh xấu nhanh và có thể tăng nặng, gây ra nhiều biến chứng. Các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh phải thở bằng máy, nặng hơn phải can thiệp ECMO, hoặc thậm chí là có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Lê Hồng Nga cho hay.

Phòng tránh Covid-19 ở người cao tuổi ảnh 1 Nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám cho người bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, diễn biến hầu hết người bệnh Covid-19 (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Khoảng 14% số ca bệnh diễn biến nặng, như: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan, bao gồm: tổn thương thận, tổn thương cơ tim và dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. Với người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm theo tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Việc chăm sóc và điều trị bệnh cho người cao tuổi cần có sự phối hợp các chuyên khoa.

Sống lành mạnh, tuân thủ quy định phòng dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, để có sức đề kháng chống mọi bệnh dịch, người cao tuổi cần quan tâm đến vệ sinh cá nhân, chế độ ăn uống khoa học, tích cực vận động và suy nghĩ lạc quan. Thay vì hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh. Người cao tuổi làm gương, cùng con cháu tuân thủ tốt các quy định phòng dịch: Hạn chế tối đa việc ra đường, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề sức khỏe, hãy liên hệ ngay đến trạm y tế phường xã, bác sĩ gia đình. Luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; thực hiện khai báo y tế điện tử và hồ sơ điện tử đầy đủ...

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, phần lớn các ca tử vong do cúm hàng năm chủ yếu là người trên 65 tuổi. Do đó, người cao tuổi nên lưu ý điều trị tốt bệnh lý đang có. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào, nên báo ngay cho cơ quan y tế khám càng sớm càng tốt.

“Trường hợp người cao tuổi có các yếu tố dịch tễ liên quan đến các bệnh nhân đã nhiễm virus, hoặc đi từ vùng dịch về, cần liên hệ ngay tới trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ dẫn đến các hậu quả như biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong. Đối với các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý mạn tính cần tái khám, có thể đăng ký khám online hay liên hệ với bác sĩ gia đình để được cấp phát thuốc thời gian tối đa 3 tháng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thông tin.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Sở Y tế đã kích hoạt lại chương trình chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cụ thể: đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đều được khám và cấp phát thuốc tại nhà. Đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, bệnh viện phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh. Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại đơn vị, nếu số lượng người bệnh đông, người bệnh ở xa... bệnh viện phân công bác sĩ có thể thăm khám, trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh. Nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước liền kề, bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh để sử dụng trong 1 tháng.

Tin cùng chuyên mục