
Hiện nay, việc áp dụng các giải pháp tối ưu hóa kỹ năng quản lý, các công đoạn sản xuất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường… đã và đang được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận, ứng dụng rộng rãi và đã thật sự mang lại hiệu quả.
TPHCM tiên phong
Cụm từ “năng suất, chất lượng” (NSCL) bắt đầu được nhắc đến ở nước ta khoảng 1995, dần trở thành “phong trào” hướng tới toàn bộ các doanh nghiệp trong nước. Là đô thị phát triển nhất nước, từ 1995 đến nay, TPHCM đã tổ chức 7 hội nghị xoay quanh vấn đề chất lượng, đẩy mạnh phong trào NSCL. Các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ không chỉ áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, SA 8000, OHSAS 18000… và các hệ thống quản lý khác mà đồng thời còn áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng như Lean, 6 Sigma, TPM, TQM, 5S và quản lý trực quan, đo lường năng suất… vào hoạt động nhằm liên tục cải tiến thao tác sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất…

Tiếp nối những thành quả của phong trào NSCL, trong bối cảnh chương trình quốc gia “Năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” sắp được triển khai, Sở KH-CN TPHCM phối hợp cùng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức Hội nghị chất lượng TPHCM lần thứ 8, với chủ đề “Cải tiến NSCL - Các công cụ then chốt” nhằm đẩy mạnh phong trào NSCL trong tiến trình hội nhập kinh tế.
Theo tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, số lượng doanh nghiệp áp dụng và được chứng nhận hệ thống ISO 9000, ISO 14000 và các tiêu chuẩn khác như SA 8000, OHSAS 18000, số phòng thí nghiệm được công nhận theo ISO/IEC 17025 liên tục tăng lên mỗi năm, hoạt động công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn ngày càng mở rộng. Đến nay, TPHCM đã có 1.500 doanh nghiệp (cả nước có 6.000 DN) đạt các chứng chỉ về hệ thống quản lý, 66 lượt doanh nghiệp đạt GTCL (9 giải vàng), 3 DN đạt giải thưởng tiêu chuẩn châu Á - Thái Bình Dương: Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi); Samsung Vina và Công ty CP Vật tư xăng dầu Comeco. Đặc biệt, TPHCM đã có 65 lượt doanh nghiệp được trao giải thưởng Chất lượng quốc gia, trong đó 9 doanh nghiệp đạt giải vàng.
Nếu như giai đoạn 1996-2005, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, thì từ 2006 tới nay, các doanh nghiệp còn cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, thông qua nhiều công cụ, giải pháp nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Giai đoạn 2008-2009, TPHCM đã thực hiện hỗ trợ đào tạo, phổ biến kiến thức về TCĐLCL như: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ISO 9001:2008, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025, ISO 2200, hướng dẫn thực hành 5S, Lean Production và đưa vào sử dụng trang web hướng dẫn đo lường năng suất để các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng miễn phí… Đặc biệt, trong 2 năm, Sở KH-CN TPHCM đã mở 109 lớp học về NSCL, với 3.492 lượt học viên tham gia.
Bội thu thành quả
Tham dự Hội nghị chất lượng TPHCM lần thứ 8, ông Âu Hoàng Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng ban chỉ đạo 5S của Công ty cổ phần In số 7 (thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn) cho biết, thực hiện chiến lược phát triển bền vững 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) bằng việc kiểm tra hoạt động, năng suất, hiệu quả, vệ sinh thường kỳ, kêu gọi mọi thành viên tham gia… đã giúp việc quản lý hồ sơ thuận tiện hơn, máy móc thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tiết kiệm kinh phí thay thế, tinh thần cán bộ công nhân viên phấn chấn hơn… Thêm nữa, sự ngăn nắp, thái độ phục vụ ân cần, chất lượng sản phẩm ổn định cũng giúp công ty tạo được niềm tin với khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu. Ông Hà khẳng định, 5S hay những giải pháp NSCL không phải là phong trào, mà là bạn đồng hành tốt của doanh nghiệp.
“Cần phải có tư duy đột phá, tập “học hỏi từ tương lai”, đứng ở tương lai nhìn lại để rút ra cho mình những cách thức, con đường và cách hành động đi tắt và phát triển; để cải tiến hiện tại, dùng “tư duy phân tích”, còn “tư duy đột phá” sẽ giúp cất cánh cho ngày mai”. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL. |
Còn ông Lê Tấn Thương, Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu Comeco cho biết, từ đầu 2008 đến nay, Comeco đã đưa ra 118 giải pháp mới trong quản lý và nâng cao chất lượng, tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng. Quản lý chất lượng ở Comeco trở thành trách nhiệm của mọi người, mọi bộ phận, là sự chung tay nỗ lực của tất cả các thành viên. Ông Thương đánh giá, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 là yếu tố cơ bản mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh của Comeco, giúp Comeco vững vàng ở vị trí 149 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Nói về hành trình đến với các giải thưởng chất lượng quốc tế, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó phòng quản lý chất lượng Công ty Cadivi, cho biết tháng 10-2009, tại Hội nghị chất lượng quốc tế lần thứ 15 ở Mexico, Cadivi đã vinh dự được trao giải nhất giải thưởng Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương nhờ chặng đường dài kiên trì cải tiến chất lượng liên tục. Khi áp dụng ISO 9000, hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh đi vào nề nếp, được kiểm soát nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc được nâng cao. ISO 9000 thực sự là xương sống trong hoạt động của Cadivi, thể hiện trong kết quả sản xuất kinh doanh của công ty: năm 2005, kế hoạch doanh thu 1.180 tỷ đồng, đạt 1.338 tỷ đồng, năm 2009, kế hoạch 1.341 tỷ đồng, đạt 2.580 tỷ đồng
BÁ TÂN-KIÊN GIANG