Phúc thẩm vụ lừa đảo xảy ra tại Agribank chi nhánh 7: Y án sơ thẩm 8/9 bị cáo

Ngày 24-10, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 7 TPHCM - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt Agribank chi nhánh 7) đã kết thúc.
Phúc thẩm vụ lừa đảo xảy ra tại Agribank chi nhánh 7: Y án sơ thẩm 8/9 bị cáo

(SGGPO).- Ngày 24-10, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 7 TPHCM - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt Agribank chi nhánh 7) đã kết thúc.

Các bị cáo chờ nghe tuyên án

Vào năm 2010, do cần tiền trả nợ, Phạm Trịnh Thắng (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi, viết tắt Công ty Mai Khôi) và Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, nguyên giám đốc Công ty Mai Khôi) đã chỉ đạo lập khống báo cáo tài chính, lập khống phương án kinh doanh gạo với doanh số lớn mặc dù không có kinh doanh gạo xuất khẩu để làm hồ sơ vay vốn. Với hồ sơ khống này, Công ty Mai Khôi được Agribank chi nhánh 7 cho vay gần 719 tỷ đồng và hơn 12,3 triệu USD. Số tiền được giải ngân, Công ty Mai Khôi chỉ dùng một phần nhỏ để kinh doanh phân bón, phần còn lại dùng để trả nợ cho chính Agribank chi nhánh 7 đối với những khoản vay của các hợp đồng tín dụng trước đó. Quá trình điều tra cho thấy tài sản đảm bảo của Công ty Mai Khôi là Quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án nhà ở cao tầng - Trung tâm thương mại dịch vụ của Công ty Mai Khôi tại phường Phú Thuận quận 7 TPHCM. Dù dự án này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Khôi nhưng Agribank 7 đã tự định giá hơn 720 tỷ đồng và đồng ý thế chấp làm tài sản đảm bảo.

Năm 2011, khi số dư nợ của Công ty Mai Khôi không có khả năng thanh toán, vợ chồng Thắng - Luyến tiếp tục dùng thủ đoạn lập khống báo cáo tài chính, lập khống phương án kinh doanh gạo với doanh số lớn mặc dù không có kinh doanh gạo xuất khẩu để làm hồ sơ vay vốn của Agribank chi nhánh 7, được giải ngân gần 60 tỷ đồng và hơn 2,8 triệu USD.

Các bị cáo bị đưa về trại giam sau khi phiên xử phúc thẩm kết thúc

Đến ngày 31-10-2013, Công ty Mai Khôi còn nợ Agribank chi nhánh 7 số tiền cả gốc lẫn lãi là hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình vay và sử dụng vốn vay của Agribank chi nhánh 7, thực tế Phạm Trịnh Thắng và Dương Thị Kim Luyến đã sử dụng một phần tiền để mua khu đất 22.667 m2 đầu tư làm dự án, hiện đang thế chấp giấy tờ khu đất đó tại Agribank chi nhánh 7; đồng thời có hơn 9,1 tỷ đồng là số tiền nhận nợ bắt buộc của L/C nhập khẩu. Do vậy, số tiền Thắng - Luyến chiếm đoạt về hành vi lừa đảo được xem xét giảm trừ, còn lại hơn 172 tỷ đồng mất khả năng thanh toán.

Hành vi phạm tội của vợ chồng Phạm Trịnh Thắng - Dương Thị Kim Luyến có sự tiếp tay của Hoàng Văn Binh (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Minh Khuê), Ngô Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại và dịch vụ Minh Khôi), Dương Công Kiên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại và dịch vụ Minh Khôi) và Huỳnh Trường Huy (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần hóa sinh Phú Nông Gia). Các bị cáo này ký khống 14 bộ hợp đồng mua bán phân bón, xuất hóa đơn GTGT nhằm chứng minh Công ty Mai Khôi sử dụng vốn vay đúng mục đích, trong khi thực tế không có việc mua bán hàng hóa này.

Để cấp hạn mức tín dụng lớn cho Công ty Mai Khôi, bị cáo Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 7), Kiều Đình Thọ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank chi nhánh 7), Đỗ Thị Thu Hà (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank chi nhánh 7) khi thẩm định cho vay đã đánh giá không đúng thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính của Công ty Mai Khôi; nhận tài sản thế chấp trái quy định. Khi giải ngân, Agribank chi nhánh 7 đa phần giải ngân trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của Công ty Mai Khôi, không kiểm tra sát thực tế việc sử dụng vốn vay, để Công ty Mai Khôi sử dụng vốn vay sai mục đích... Hậu quả là gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền cả gốc lẫn lãi hơn 600 tỷ đồng.

Tháng 12-2015, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án. Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Văn Cử mức án 20 năm tù, Kiều Đình Thọ 16 năm tù, Đỗ Thị Thu Hà 9 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Phạm Trịnh Thắng bị tuyên mức án tù chung thân, Dương Thị Kim Luyến bị tuyên 20 năm tù. Tham gia giúp sức, các bị cáo Hoàng Văn Binh bị tuyên 12 năm tù, Ngô Thị Thanh Mai bị tuyên 7 năm tù, Dương Công Kiên bị tuyên 8 năm tù và Huỳnh Trường Huy bị tuyên 8 năm tù với cùng tội danh trên.

Sau phiên xử sơ thẩm, 9 bị cáo trong vụ án đều có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin xem lại tội danh. 3 doanh nghiệp, 1 cá nhân có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan cũng kháng cáo. Từ ngày 21 đến 24-10, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, bản án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, toàn diện hành vi phạm tội của các bị cáo, hậu quả xảy ra của vụ án để tuyên phạt bản án đúng người, đúng tội, không oan sai đối với các bị cáo. Các bị cáo kháng cáo kêu oan không có căn cứ; kháng cáo xin giảm án nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới, trừ bị cáo Hà cha mẹ có nhiều thành tích trong công tác, bản thân bị cáo cũng nhiều lần phản đối hành vi phạm tội của cấp trên và đồng phạm.

Do vậy, hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Trịnh Thắng, Dương Thị Kim Luyến, Hoàng Văn Binh, Ngô Thị Thanh Mai, Dương Công Kiên, Huỳnh Trường Huy, Phạm Văn Cử, Kiều Đình Thọ. Bị cáo Đỗ Thị Thu Hà được giảm án từ 9 năm tù xuống còn 7 năm tù. Hội đồng xét xử cũng bác kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục