Phục vụ người bệnh bằng cả tấm lòng

Tại buổi tọa đàm “Tuổi trẻ ngành y rèn luyện y đức, y nghiệp, tham gia xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do Thành Đoàn TNCS TPHCM tổ chức sáng 26-2, nhiều vấn đề nổi bật gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm xã hội đã được các thầy thuốc trẻ đặt ra. Qua đó, khẳng định vai trò của thầy thuốc trẻ trong việc góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe đời sống người dân trên địa bàn thành phố.
Phục vụ người bệnh bằng cả tấm lòng

Tại buổi tọa đàm “Tuổi trẻ ngành y rèn luyện y đức, y nghiệp, tham gia xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do Thành Đoàn TNCS TPHCM tổ chức sáng 26-2, nhiều vấn đề nổi bật gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm xã hội đã được các thầy thuốc trẻ đặt ra. Qua đó, khẳng định vai trò của thầy thuốc trẻ trong việc góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe đời sống người dân trên địa bàn thành phố.

Học vì người bệnh

Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất tại buổi tọa đàm chính là việc nâng cao ngoại ngữ, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc trẻ. Ông Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, thầy thuốc trẻ phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ chứ không chỉ chú trọng vào việc trau dồi kiến thức chuyên môn. Ngoại ngữ là một lợi thế để đội ngũ y, bác sĩ trẻ có điều kiện tiếp xúc với những thành tựu khoa học mới. Bác sĩ Nguyễn Hà Phương (Bệnh viện Ung bướu) cho biết: “Tôi nghĩ thầy thuốc trẻ cần phải đi đầu trong học tập, nghiên cứu, đi đầu trong chuyên môn. Tôi cũng mong muốn có cơ chế để bác sĩ trẻ được đi học ở nước ngoài để được nâng cao tay nghề, học cách quản lý tổ chức và cung cách phục vụ bệnh nhân”. Còn theo bác sĩ Lê Thị Duy Lệ (Bệnh viện Truyền máu Huyết học) không chỉ du học nước ngoài, các y, bác sĩ cũng có thể chọn lựa nhiều hình thức học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh công tác. Có thể thông qua các chương trình hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, các chuyến đi trao đổi kinh nghiệm và học trong thực tế công việc đang làm.

Bác sĩ trẻ Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám cho trẻ em  Ảnh: MAI HẢI

Bác sĩ Trần Văn Sồi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, nhân viên y tế phải giỏi về chuyên môn, phải có y nghiệp mới rèn luyện được đạo đức ngành y. Không chỉ học ứng dụng mà còn phải “nâng cấp” tay nghề bằng việc không ngừng trao dồi kiến thức và y đức, toàn tâm toàn ý trị bệnh cứu người. Ông Sồi cũng cho biết, tuổi trẻ ngành y phải đặt lên vai mình trách nhiệm với xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, gương mẫu đi đầu trong các công việc khó, những nơi còn nhiều khó khăn. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng đặt hàng Đoàn Thanh niên Sở Y tế chủ động đi đầu, xung kích đến với các huyện ngoại thành, luân phiên về vùng sâu, vùng xa và đội ngũ thầy thuốc trẻ phải dấn thân vào nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Chung tay vì sức khỏe nhân dân

Trong nhiều năm qua, các công trình thanh niên, hoạt động tình nguyện của đội ngũ y, bác sĩ trẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Các hoạt động tình nguyện được áp dụng tại bệnh viện và nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân. Như tại Bệnh viện Truyền máu huyết học có đội hình tình nguyện hướng dẫn người bệnh đến thăm khám, có bộ phận chăm sóc khách hàng do Đoàn Thanh niên thực hiện, hay tặng quà sinh nhật cho bệnh nhân... Bác sĩ Phạm Trương Mỹ Dung (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) chia sẻ do tình trạng quá tải ở bệnh viện nên thời gian tiếp xúc, trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân còn nhiều hạn chế, chỉ thăm khám mà chưa có sự trao đổi, tư vấn, giải thích tình trạnh bệnh của bệnh nhân. Vì vậy, Đoàn Thanh niên cần phải thực hiện các mẫu thăm dò ý kiến người bệnh để công tác chăm sóc sức khỏe được tốt hơn. Trong thời gian tới, Sở Y tế dự kiến cũng sẽ thành lập trang mạng xã hội chuyên đăng tải các thông tin sức khỏe và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Siêu âm tuyến giáp cho người dân tại phòng khám Bệnh viện Ung bướu TPHCM Ảnh: MAI HẢI

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho biết, cần phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người dân, để mỗi người dân biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Các chương trình tình nguyện sức khỏe học đường hay các chương trình truyền thông phòng chống dịch bệnh đã được Đoàn Thanh niên Sở Y tế TPHCM tập trung thực hiện và đã đạt được những hiệu quả ban đầu. Thành Đoàn TPHCM cũng có nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố mà trong thời gian tới sẽ triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe trọn đời cho các Mẹ Việt Nam anh hùng tại các huyện ngoại thành. Đây cũng là điều kiện để đội ngũ thầy thuốc trẻ phát huy chuyên môn, rèn luyện đức, y nghiệp, phục vụ người bệnh bằng cả tấm lòng của mình.


HOÀNG LONG

Tin cùng chuyên mục