Phước Long ngày mới

Chúng tôi đến thị xã Phước Long vào những ngày cuối tháng 4 và ấn tượng đầu tiên là diện mạo đô thị khang trang với những ngôi nhà cao tầng san sát, các tuyến đường giao thông kết nối tỏa đi nhiều vùng lân cận cùng các dự án được đầu tư quy mô lớn đang đi vào hoạt động tạo nên sức bật mới cho cả vùng đô thị.
Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Miếu Bà Rá
Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Miếu Bà Rá

Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và là thắng lợi quan trọng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Sau hơn 46 năm giải phóng, mảnh đất từng bị bom cày đạn xới đang thay da đổi thịt từng ngày với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Phước Long tự tin hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại để xứng đáng với truyền thống đấu tranh anh dũng trong quá khứ.  

Một thời anh dũng

 Chúng tôi đến thị xã Phước Long vào những ngày cuối tháng 4 và ấn tượng đầu tiên là diện mạo đô thị khang trang với những ngôi nhà cao tầng san sát, các tuyến đường giao thông kết nối tỏa đi nhiều vùng lân cận cùng các dự án được đầu tư quy mô lớn đang đi vào hoạt động tạo nên sức bật mới cho cả vùng đô thị.

Phước Long còn có núi Bà Rá cao gần 750m nằm giữa vùng đồi nhấp nhô, tạo nên vẻ hùng vĩ, là nơi hoạt động của đội biệt động Bà Rá năm xưa. Dưới chân núi là di tích nhà tù Bà Rá, nơi nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị giam cầm, một nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh.

Phước Long cũng vừa đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - Ngụy tại cầu Đăk Lung” tưởng nhớ sự kiện ngày 4-1-1975, quân ta tiến công để giải phóng Phước Long, địch đã ném bom gây ra cái chết thương tâm cho hơn 300 đồng bào vô tội.  

Rời “đài quan sát” Bà Rá, chúng tôi đến di tích miếu Bà Rá nằm ven đường ĐT 741 (đối diện Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long) thuộc khu phố Bình Giang 2, phường Sơn Giang. Theo người dân địa phương, năm 1943, những người mộ phu và các chiến sĩ bị giam cầm ở Nhà tù Bà Rá đã xin chính quyền thực dân Pháp cho dựng miếu thờ để tạ ơn bà Chúa Xứ Nương Nương, cầu mong cuộc sống ấm no và được Sở Mật thám Pháp đồng ý. Trong thời gian này, thực dân Pháp chôn sống 4 chiến sĩ cách mạng tại Cây Cầy và để tưởng nhớ, người dân đã đưa hương hồn vào miếu thờ tự nhưng không đặt bài vị.  

Năm 1956, tỉnh Phước Long được thành lập, dân cư đông đúc, người đi lễ miếu ngày càng nhiều và miếu Bà được dời đến gần đường lộ để tiện thờ cúng. Đến năm 1962, hoạt động lễ hội được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3 tháng 3 (Âm lịch) mang tính cộng đồng dân gian, gắn với di tích lịch sử địa phương thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh. Năm 2001, Công ty TNHH Mỹ Lệ (do cố đại biểu Quốc hội Phạm Thị Mỹ Lệ làm Giám đốc) cùng một số doanh nghiệp trong vùng xây dựng chính điện mới có diện tích 225m2 bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói. Đến năm 2015, Lễ hội Miếu Bà Rá được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh và mới đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tâm sự: “Lễ hội Miếu Bà Rá không chỉ là niềm vinh dự của chính quyền, nhân dân Phước Long mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng, phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Tỉnh đề nghị thị xã Phước Long có chính sách quan tâm, động viên các nghệ nhân - những người đang thực hành bảo vệ, phát huy giá trị của lễ hội, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này”.

Xây dựng đô thị thông minh 

 Nhiều năm trở lại đây, dự án Trung tâm hành chính và khu đô thị mới Phước Long với tổng diện tích hơn 96,5ha (tại nền sân bay Phước Bình cũ), kinh phí đầu tư hơn 1.038 tỷ đồng, được coi là bước đột phá về cơ sở hạ tầng của thị xã với những con đường bàn cờ rộng rãi, các dãy nhà cao tầng khang trang, cây xanh rợp bóng mát. Nhờ quy hoạch này, thị xã Phước Long đã tổ chức đấu giá 1.807 lô đất với số tiền hơn 1.755 tỷ đồng, tăng nguồn thu ngân sách. 

Các dự án hạ tầng được triển khai kéo theo giá đất tại nhiều khu vực rục rịch tăng, đời sống kinh tế người dân được cải thiện. Anh Nguyễn Ngọc Tuyến (34 tuổi, ngụ phường Phước Bình) cho biết, từ khi có chủ trương thực hiện dự án, giá đất quanh khu vực tăng gấp 3-4 lần, tùy vị trí, nhiều hộ dân cũng khấm khá hơn từ mua bán đất. 

Thị xã Phước Long đang có chủ trương mở rộng tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các cụm công nghiệp, đầu tư nâng cấp Trung tâm thương mại Phước Long và Phước Bình, đánh thức tiềm năng du lịch tại núi Bà Rá, hồ Long Thủy, hồ Đắk Tôn, du lịch sinh thái Bàu Nghé; Khu di tích lịch sử Nhà tù Bà Rá và tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định đang hoàn thiện quy hoạch khiến người dân phấn khởi vì dự án du lịch về nguồn sắp được xây dựng.

Mới đây, thị xã Phước Long đã khai trương Trung tâm hệ thống điều hành thông minh IOC, kết nối hệ thống dữ liệu IOC của tỉnh, phản ánh tổng quan sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống IOC cũng tạo thuận lợi cho lãnh đạo địa phương dễ dàng nắm bắt tình hình chung, qua đó chỉ đạo, điều hành kịp thời các nhiệm vụ, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Thụy Luân, Bí thư - Chủ tịch UBND thị xã Phước Long cho hay: “Mục tiêu của thị xã Phước Long đến năm 2030 là trở thành đô thị loại III, là một trong 3 vùng đô thị lan tỏa được xác định trong tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Hiện Phước Long là trung tâm chế biến điều nên lãnh đạo thị xã đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo điều kiện phát triển cụm ngành điều. Chúng tôi kỳ vọng xây dựng Phước Long trở thành đô thị hiện đại, thông minh và cũng để xứng đáng với truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ đi trước”.

Tin cùng chuyên mục