Phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa: 3 không

Phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa: 3 không

(SGGPO).- Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa”, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức sáng nay 15-12, tại Tiền Giang.

Hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển hàng hóa, hành khách trong khu vực và sang các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan và ra thế giới. Bên cạnh việc đem lại lợi ích về kinh tế, xã hội, hệ thống sông ngòi như thế cũng bộc lộ những hạn chế, phức tạp về tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 39 người, bị thương 8 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 21 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL, năm 2014 xảy ra 55 vụ tai nạn đường thủy, làm chết 42 người; 10 tháng đầu năm 2015 xảy ra 49 vụ, làm chết 17 người.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay ở khu vực ĐBSCL là phương tiện tham gia giao thông đường thủy thì nhiều nhưng phần nhiều thuộc nhóm “3 không”: Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện chở hàng quá trọng tải, phương tiện chở khách không đủ các điều kiện an toàn lao động… Đó là chưa nói đến tình trạng khai thác khoáng sản, khai thác cát dưới lòng sông rất phức tạp; tình trạng đánh bắt thủy sản, nuôi cá bè, lồng ở trên dòng sông làm lấn chiếm luồng giao thông, hành lang an toàn giao thông đường thủy... cũng là những nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông đường thủy.

Phương tiện vận tải thủy lưu thông trên kênh Chợ Lách. Ảnh: HÀM LUÔNG

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các lãnh đạo, các nhà khoa học, các cơ quan lý luận, các cơ quan nghiên cứu khoa học ở trung ương, đại diện các cơ quan chức năng ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Việt Nam có hệ thống sông ngòi rất phong phú, với tổng chiều dài hơn 41.900km: gồm 3.551 sông, kênh; 3.260km bờ biển, trên 124 cửa sông. Đặc biệt là khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ có mật độ sông ngòi thuộc nhóm cao nhất so với các nước trên thế giới. Toàn vùng với đường biển dài 600km, hệ thống sông ngòi dài 26.550km (mật độ 68km/km²).

Khu vực ĐBSCL có 2.500 cảng bến thủy nội địa, trong này có 5 cảng chính với tổng công suất 1,7 triệu tấn/năm, 34 cảng khác với tổng công suất 13 triệu tấn/năm, 14 cảng hành khách với công suất 30 triệu hành khách/năm…

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục