QH thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009: Đề xuất “lạm phát chủ động”

QH thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009: Đề xuất “lạm phát chủ động”

Hôm qua 28-10, trong phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thẳng thắn chỉ ra những “nhược điểm cốt tử” của nền kinh tế.

Kinh tế quốc doanh không mạnh như lẽ ra phải vậy

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của QH, tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tiếp tục khó khăn do thiếu vốn và do nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm. Tán thành với nhận định này, nhiều ĐB đã đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm khi đánh giá rằng khu vực dân doanh chủ yếu là DNNVV, tuy gặp khó khăn nhưng “vẫn đạt kết quả khá”.

ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) dẫn lại số liệu của Bộ KH-ĐT, đến cuối tháng 8-2008, Việt Nam có khoảng 350.000 DN, trong đó 90% DNNVV, tính ra số DN trên bờ vực phá sản theo Hiệp hội DNNVV là 60.000 DN. “Như vậy, đánh giá của Chính phủ đã sát với thực tế? Nếu đánh giá không đúng thì đề ra chính sách sẽ không đúng, mà DNNVV là khu vực tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra 92% công việc làm mới cho nền kinh tế, nếu phá sản thì công nhân sẽ không có việc làm, không có thu nhập” – ĐB Dương Kim Anh nhấn mạnh.

ĐB này cũng cho rằng, cần xem xét lại các chỉ tiêu tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 19%, vì khó khả thi, nhất là trong bối cảnh hàng chục ngàn DNNVV đang trong thời kỳ lao đao, đang đứng trên bờ vực phá sản.

QH thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009: Đề xuất “lạm phát chủ động” ảnh 1

Đại biểu Vũ Hoàng Hà (tỉnh Bình Định) phát biểu tại hội trường.

Bên cạnh những lo ngại về khó khăn của các DN dân doanh, nhiều ĐB cũng bày tỏ bức xúc trước hiệu quả, vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TCT) trong việc sử dụng vốn.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận định, 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được giao tới 403.000 tỷ đồng và được vay bổ sung 514.000 tỷ đồng nữa, nhưng tỷ suất về lợi nhuận chỉ đạt 17,04%/năm (theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước).

Các tập đoàn, TCT này lại rót vốn đầu tư ngoài kế hoạch là 7.370 tỷ đồng vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, nhà đất; đồng thời cũng nhập siêu tới 21 tỷ USD. Sự độc quyền về kinh doanh điện dẫn tới người tiêu dùng bị thiệt hại do phải mua giá điện cao, sản xuất bị ảnh hưởng do bị cắt điện tùy tiện, trong khi ngành điện luôn kêu thua lỗ để đòi tăng giá nhưng “đùng một cái” lại công bố có lãi và đề nghị được cắt hơn 1.000 tỷ đồng để thưởng nội bộ.

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cũng lưu ý, dư luận đang băn khoăn về khả năng trả nợ của các tập đoàn, TCT này. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH lại cho rằng, rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn và TCT; thậm chí, khả năng trả nợ vay của các DN nhà nước cũng rất khó đánh giá. Vì vậy, ĐB Nguyễn Văn Nhượng đề nghị cần sớm đưa việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, TCT vào chương trình giám sát của QH.

Kiểm soát lạm phát trong điều kiện kinh tế thiểu phát?!

Với nhãn quan của một nhà khoa học, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) thẳng thắn chỉ rõ 3 yếu tố đáng lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế, cho thấy sự tăng trưởng về mặt số lượng không tỷ lệ thuận với chất lượng. Đó là hệ số đầu tư cao; giá trị gia tăng/sản lượng nông nghiệp, công nghiệp có chiều hướng giảm (năm 2001 là 47%, 19 tháng đầu năm 2008 chỉ còn 33%); chi phí sản xuất cao, kém tính cạnh tranh. Bức tranh kinh tế năm 2009, theo ĐB, còn sẫm màu hơn năm 2008: do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, hàng hóa xuất khẩu của VN sẽ giảm... Nhiều DN có thể phải thu hẹp sản xuất, sa thải bớt công nhân. Ở tầm vĩ mô, cân đối ngoại hối sẽ khó khăn, nguy cơ thiểu phát hiện hữu.

Trong buổi chiều 28-10, ông Trần Du Lịch cũng là ĐB đề xuất một kế hoạch 7 điểm rành rọt nhất về điều hành kinh tế – được chính ông định danh là “khá… lạ tai”: “Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thiểu phát”. Theo đó, ông đề nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2009 là trên 6% với lạm phát chủ động giữ ở mức 9-10%.

Bên cạnh đó, cần mạnh tay hơn nữa trong tái cấu trúc đầu tư công, dành ưu tiên cho các dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, nhân công; giảm lãi suất, khuyến khích DN phát triển sản xuất kinh doanh; kích cầu tiêu dùng (tránh nguy cơ thiểu phát); tài trợ tín dụng cho DNNVV.

“Các ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách cần bỏ “vốn mồi” cho các DN có triển vọng kinh doanh tốt, nhất là DN sử dụng nhiều lao động, sản xuất, chế biến nông sản và sản xuất hàng xuất khẩu. Đừng bỏ mặc DN xoay xở với các ngân hàng thương mại” - ông khuyến cáo. Hai giải pháp còn lại trong “gói chính sách” của ĐB Trần Du Lịch là giảm nhập siêu và tuyên truyền, động viên nhân dân tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế, vào khả năng kiểm soát tình hình của Chính phủ, tránh xu hướng ào ạt đi mua vàng, USD để tích trữ.

Chia sẻ mối quan ngại về nguy cơ thiểu phát, ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) tán thành quan điểm “lạm phát chủ động”, đồng thời yêu cầu Chính phủ nâng cao năng lực dự báo và độ “nhạy cảm” với kinh tế thế giới. Ông chỉ trích khá gay gắt chủ trương dừng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo thế giới đang lên: “Có phải vì cần chống lạm phát bằng mọi giá mà nông dân - vốn có đời sống rất khó khăn - đã buộc phải “gánh” hộ cho toàn xã hội sự thiệt thòi đó?”. Ngoài ra, nạn buôn bán hàng giả không được ngăn chặn và nghiêm trị (đặc biệt là phân bón giả, thuốc trừ sâu giả) đã khiến hàng chục vạn nông dân lao đao, thậm chí sạt nghiệp…

Một ví dụ điển hình khác về sự bất hợp lý trong chính sách giá cả so với thị trường thế giới là giá xăng dầu, gas. ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) phát biểu: “Tại sao giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh như thế mà giá xăng dầu trong nước vẫn chỉ giảm nhỏ giọt? Lẽ ra, lúc giá dầu thế giới lên cao, Chính phủ có thể đề nghị người dân cùng chia sẻ khó khăn, chấp nhận mức giá cao hơn một chút thay vì chọn giải pháp bù giá, rồi giờ thì giữ giá. Không thể giải thích nổi với người dân! Rõ ràng, đây là hệ quả của việc dự báo và điều hành lúng túng”.

Hôm nay 29-10, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về các nội dung trên.
 

ĐINH LAN – ANH PHƯƠNG


 
QH thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009: Đề xuất “lạm phát chủ động” ảnh 2

Tin cùng chuyên mục