“Áo lụa Hà Đông”

Quá tải Chuỗi bi thương

Quá tải Chuỗi bi thương

Với Giải bình chọn của khán giả tại Liên hoan phim Pusan 2006 (Hàn Quốc), “Áo lụa Hà Đông” là bộ phim đang được khán giả mong đợi hiện nay…

Suốt 2 tiếng đồng hồ dài, người xem như bị cô đặc lại trong một không gian chỉ toàn gam màu tối. Cuộc đời của cô gái quê xinh đẹp Nguyễn Thị Dần như một định mệnh đã bày sẵn với bao nỗi truân chuyên, cơ cực…

Từ một cô gái ở đợ cho nhà giàu có trong làng, bị đánh chửi suốt ngày, đến khi cách mạng bùng dậy, cô lại trôi giạt vào Nam và nối tiếp những chuỗi ngày lam lũ, nghèo khổ.

Người yêu của cô là một anh gù – vốn là một đứa bé bị bỏ rơi – và vật quý báu nhất để anh cầu hôn cô chính là chiếc áo dài lụa trắng của mẹ anh để lại…

Chiếc áo dài đã đi theo cùng cuộc sống của hai người như một chứng nhân, như một báu vật thiêng liêng để gìn giữ…

Họ vào Hội An làm nghề cào hến, họ sống trong túp lều rách nát, mùa dông bão, nước lụt lênh láng, cha con chồng vợ phải ngồi thu lu trên chiếc giường độc nhất trong nhà chờ nước rút…

Suốt mười mấy năm, 4 đứa con ra đời, nhà càng nghèo xơ xác. Và để may chiếc áo dài trắng cho con đi học, Dần phải đi làm vú nuôi cho một lão già (nhưng cuối cùng cũng không đủ tiền).

Đau thương đổ xuống gia đình này dồn dập đến mức người xem thấy khó thở, đứa con gái nhỏ mặc áo dài trắng của mẹ chết thảm cùng cả lớp học bởi đạn pháo chiến tranh dập vào trường học.

Dần trong đêm đi vớt củi với chồng, vì đuổi theo một cành củi to mà vùi thân dưới dòng nước xoáy, bỏ lại 3 đứa con thơ…

Nhưng đoạn cuối của cả một vở bi kịch thê thảm ấy lại hé lộ ánh sáng bởi lời bình luận của cô con gái nhỏ của Dần về chiếc áo dài lụa trắng của mẹ… (?!).

Quá tải Chuỗi bi thương ảnh 1

Cảnh lam lũ của vợ chồng cô Dần.

Có thể nhìn thấy cái tứ khá rõ của người làm phim khi ca ngợi chiếc áo dài dân tộc.

Cái tứ lạ của phim là chiếc áo dài không hề đi cùng với tầng lớp quý tộc, mà gắn bó thiết thân với một gia đình cùng đinh trong xã hội.

Chiếc áo dài trong phim rõ ràng về hình thức là không đẹp, cô Dần và con gái mặc vào cũng không đẹp, bởi nó chỉ là một chiếc áo trắng giản dị và người mặc cũng không vừa vặn.

Nhưng nó chính là linh hồn của người phụ nữ Việt Nam, nó biểu trưng cho tính hy sinh, chịu đựng, hết lòng hết dạ vì chồng con…

Cái tứ hay cùng tâm huyết của người làm phim, người xem hoàn toàn có thể hiểu và cảm nhận được.

Bởi đây là một phim được làm hết sức nghiêm túc với những góc máy đẹp, những đại cảnh công phu, những cận cảnh trau chuốt…

Và cả những cảnh quay cực kỳ gian khổ của diễn viên và người thực hiện: cảnh băng đồng, vượt suối, cảnh lên núi xuống biển, cảnh cào nghêu, bắt ốc…

Và Trương Ngọc Ánh đã thực sự thuyết phục được người xem khi cô không nề hà hóa trang xấu xí trong một cô Dần lam lũ, và cô thực sự đã đẩy cảm xúc người xem đến đỉnh điểm với nỗi đau cháy ruột gan của người mẹ khi ôm cái xác loang lổ máu của con gái trong chiếc áo dài trắng.

Ta có thể hiểu cái thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt, nhưng chuyển tải được thông điệp ấy một cách thuyết phục xem ra vẫn còn có khoảng cách.

Và khi ngồi trọn suốt 2 tiếng đồng hồ cùng các nhân vật, ta có cảm giác như đang được xem những mẩu bi kịch chắp nhặt từ nhiều nơi, nhiều chỗ để xâu thành một chuỗi…

Cái chuỗi bi thương ấy đã được khai thác quá tải đến mức ta có cảm giác như đó là những cuộc trình diễn có chủ ý với sự nhấn nhá một cách say mê của tác giả.

Ví như chuyện Dần đi nuôi vú cho một lão già, đó là câu chuyện của chị Dậu, nhưng ở đây bi kịch của Dần được đẩy cao hơn chị Dậu nhiều, vì cô phải tự cho lão bú từ bầu ngực của mình, chứ không phải chỉ vắt sữa ra ly theo thông thường.

Đó là chi tiết khá ghê rợn, nhưng tác giả đã lặp đi lặp lại mấy lần đến người xem cảm thấy ghê chứ không thấy thương cảm, và khó thể hòa được cảm xúc vào những dòng lệ trên má Dần.

Chuyện Dần đang đêm đến nhà cô thợ may nhờ sửa lại chiếc áo dài cho con rồi bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn vì bị nghi là “Việt Cộng” cũng thế, thấy nó giả đến nỗi dù cô Dần mặt mũi sưng tấy, nhưng người xem chỉ thấy kỳ cục bởi sự phi lý của nó.

Sửa áo cho con đi học thì bí mật gì mà phải đốt đèn đi trong giờ giới nghiêm cho bị bắt? Rồi chuyện hai bé gái đi học chỉ có một cái áo dài nên phải đổi áo cho nhau để đến trường, chi tiết này quá giống với bộ phim nổi tiếng “Đôi giày đỏ” của Iran, câu chuyện về hai đứa bé chỉ có một đôi giày nên phải đổi giày cho nhau để đến trường.

Đoạn cô bé viết bài luận đọc trước lớp ca ngợi tình yêu vô bờ bến của mẹ và gục chết dưới quả đạn pháo chiến tranh, có lẽ tác giả nên dừng lại ở điểm đỉnh đó hơn là giết luôn cả người mẹ trong bối cảnh đi vớt củi giữa đêm dông…

Bởi bối cảnh ấy làm người xem nhớ đến hai vợ chồng trong truyện ngắn “Anh phải sống”của Nhất Linh, và cảm thấy sức chịu đựng của mình bị quá tải…

Cuối phim, gia đình anh gù chỉ còn lại người cha và 3 đứa con gái nhỏ. Họ sẽ sống ra sao? Màn đêm hoàn toàn mù mịt. Nhưng lại là đoạn khá lãng mạn, trữ tình với hình ảnh những chiếc áo dài trắng tung bay trong gió?!

Chiếc áo dài Việt Nam trong dáng hình thướt tha của người con gái Việt, đó chính là biểu trưng của tâm hồn Việt Nam. Những gì tác giả muốn ca ngợi như đức tính thủy chung, sự nhân hậu, lòng hy sinh vô bờ bến vì chồng vì con đều có trong cô Dần.

Chỉ tiếc rằng những chi tiết để làm nên tính cách đẹp ấy dường như là một cuộc trình diễn, xếp đặt khá lộ liễu làm người xem chỉ thấy nặng lòng mà khó hòa được vào giọt nước mắt của nhân vật…

* Biên kịch - Đạo diễn: Lưu Huỳnh. Diễn viên chính: Trương Ngọc Ánh, Quốc Khánh. Công ty Giải trí Phước Sang, Công ty BHD, Công ty Ánh Việt hợp tác sản xuất 2006. 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục