Quận 10 bàn giao mặt bằng Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2

Ngày 2-7, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, Văn phòng UBND TPHCM, UBND quận 10, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 10 và Ban Quản lý Công viên văn hóa Lê Thị Riêng đã phối hợp kiểm tra thực địa các ranh mốc thu hồi đất xây dựng nhà ga S5 - Lê Thị Riêng, thuộc Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Kết quả kiểm tra cho thấy mặt bằng (với diện tích đất thu hồi 2.374m2) đã được giải phóng xong, sẵn sàng để UBND quận 10 bàn giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM di dời hạ tầng kỹ thuật, triển khai thực hiện dự án.

Quận 10 bàn giao mặt bằng Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 ảnh 1 Các thành viên trong đoàn kiểm tra thực địa các ranh mốc thu hồi đất 

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng; nguồn vốn thực hiện gồm vốn vay ODA từ 3 nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước.

Tổng chiều dài tuyến tàu điện ngầm số 2 là 11,042 km (gồm 9,1km ngầm, 1,942km trên cao và chuyển tiếp), có 10 nhà ga (trong đó có nhà ga S5 - Lê Thị Riêng), đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.

Quận 10 bàn giao mặt bằng Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 ảnh 2 Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tiếp nhận mặt bằng nhà ga S5 - Lê Thị Riêng

Ông Võ Khắc Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, cho biết: "Dự kiến, dự án sẽ được triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật (viễn thông, điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh...) vào đầu năm 2021, sau đó sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính triển khai thi công và hoàn thành dự án vào năm 2026. Dự án khi đưa vào khai thác vận hành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là khu vực từ quận 1 đến quận 12; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị khu vực tuyến tàu đi qua".

Ông Hưng thông tin thêm, dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố.

Về lâu dài, tuyến đường sắt đô thị số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Mưa lớn gây ngập trên đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đa dạng hóa nguồn kinh phí chống ngập

Chỉ vài cơn mưa đầu mùa chưa lớn lắm, nhưng đã khiến nhiều khu vực ở TPHCM ngập nặng. Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, trong khi các giải pháp, công trình thoát nước lại chậm do thiếu kinh phí; công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ… khiến cho tình trạng ngập ở thành phố khó giải quyết dứt điểm.

Bút Sài Gòn

Vượt qua khúc ngặt

- Các hãng hàng không xứ mình tăng số chuyến bay khai thác mỗi ngày lên 30%. Ngoài chuyện dễ thấy là du lịch sôi động hơn, còn điều gì đáng chú ý trong con số đó?

Sự kiện & Bình luận

Nâng bước doanh nghiệp trên hành trình xanh hóa

Hôm nay 31-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2023. Đây là nỗ lực rất lớn của ban tổ chức nhằm tôn vinh và nâng bước doanh nghiệp (DN) trên hành trình xanh hóa.