Quân bài kinh tế

Bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào tháng tới và đương kim tổng thống Emmanuel Macron sẽ bước vào cuộc đua tái tranh cử. 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một cuộc họp tại Lievin, địa phương ở miền bắc Pháp, ngày 2-2-2022. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một cuộc họp tại Lievin, địa phương ở miền bắc Pháp, ngày 2-2-2022. Ảnh: AP

Tờ Finacial Times nhận định, trong khi các đối thủ của ông Macron tập trung vào lĩnh vực tội phạm, tình trạng nhập cư không kiểm soát và giá sinh hoạt gia tăng trong thời gian gần đây thì thành tựu kinh tế là một trong những quân bài mạnh nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải tìm cách phát huy trong quá trình tái tranh cử. 

Pháp đã có một sự phục hồi đáng chú ý sau đại dịch Covid-19, với GDP vào mùa thu năm 2021 trở lại mức trước khủng hoảng, nhanh hơn so với các nơi khác ở châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã trở lại mức dưới 8% lực lượng lao động như trong giai đoạn trước đại dịch, mức thấp nhất trong hơn 1 thập niên qua. Chính phủ Pháp cho biết, 1 triệu việc làm đã được tạo ra trong khu vực tư nhân kể từ năm 2017. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định: “Những lựa chọn chiến lược mà chúng tôi đã thực hiện để chuyển đổi nền kinh tế Pháp là đúng đắn”. 

Những người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, việc ông tái đắc cử tổng thống sẽ giúp Pháp tăng cường phát triển công nghiệp, thậm chí còn có thể thúc đẩy sự tăng trưởng tới mức tương đương với Đức và các nước láng giềng Bắc Âu khác. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của Tổng thống Pháp lại tỏ ra nghi ngờ.

Ông Macron có thể mất phiếu bầu từ những người ủng hộ trước đây, những người hiện coi ông là “tổng thống của người giàu” với chính sách bãi bỏ thuế tài sản vào năm 2018. Trong khi đó, theo ứng cử viên bảo thủ Valérie Pécresse, người mà theo các cuộc thăm dò dư luận có cơ hội trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Pháp, ông Macron đã “hủy hoại đất nước” khi phê duyệt gói chi tiêu khẩn cấp cho đại dịch, khiến nước Pháp phải đối mặt với núi nợ công gần bằng 116% GDP vào năm 2021. 

Với bộ máy đồ sộ và chế độ phúc lợi xã hội hào phóng, Chính phủ Pháp đã đạt mức chi tiêu hơn 55% GDP, cao hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp phát triển nào (ngoại trừ Áo). Chưa kể, các cử tri bình thường không thấy mình giàu có hơn dưới thời Tổng thống Macron, mặc dù dữ liệu của chính phủ cho thấy sức mua của người tiêu dùng đã tăng 8% trong nhiệm kỳ này, nhanh hơn so với các nhiệm kỳ trước đó… 

Tin cùng chuyên mục