Quan chức phải cương quyết nói không với biếu xén

Thế là từ Mũi Cà Mau tận cùng của Tổ quốc, chuyện 100 triệu đồng chạy chức chưa đến hồi kết; lại đến chuyện tiền biếu ở tỉnh địa đầu đất nước Cao Bằng, cho thấy chuyện dùng tiền bạc vào những mục đích “chạy” ở nước ta đã thành phổ biến và trầm trọng.

Từ xưa ai cũng biết chuyện Lã Bất Vi bắt đầu từ chuyện tặng quà, châu báu... mà sau này “được cả thiên hạ”. Chắc ai cũng nhớ trùm xã hội đen Năm Cam cũng bắt đầu từ những món quà, những buổi nhậu thân tình, để rồi kéo cả chục quan chức từ cơ quan bảo vệ pháp luật, phóng viên báo chí trở thành tù nhân, tay sai đắc lực cho hắn. Giám đốc Lã Thị Kim Oanh cũng với thủ đoạn quà cáp, tiền biếu để dễ dàng biển thủ của ngân hàng hàng trăm tỷ đồng, kết cục đã đưa hai thứ trưởng của bộ và hai vụ trưởng lâm vào cảnh lao lý. 

Chính vì vậy mà hầu như quy định về đạo đức trong nền công vụ của các nước đều có những điều khoản quy định về việc nhận quà biếu. Thí dụ trong “những điều không được phép làm đối với cán bộ Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp phòng trở lên ở Trung Quốc” có quy định: “Không cho phép trong hoạt động việc công mà nhận lại những tặng vật (tiền, vàng) và các loại ngân phiếu, không cho phép nhận của đơn vị trực tiếp thuộc cấp dưới các loại thẻ tín dụng, không cho phép tham dự các buổi tiệc có khả năng ảnh hưởng đến việc chấp hành công vụ…”.

Ở Malaysia trong quy định về “tư cách đạo đức và chế độ kỷ luật của công chức” thì quy định về việc nhận quà cáp còn kỹ và chi tiết hơn, ngay cả trong trường hợp bất khả kháng: “Khi có những tình huống gây khó xử cho công chức để từ chối nhận một món quà hoặc vật kỷ niệm có giá trị mà việc nhận đó đã bị cấm, thì trên hình thức, nó có thể được tiếp nhận nhưng công chức phải trình một báo cáo, một văn bản lên thủ trưởng ngành trong thời gian sớm nhất”.

Ở nước ta trong pháp lệnh phòng chống tham nhũng tại điều 13 có quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn không được làm những điều sau đây: nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức…” Bộ Tài Chính gần đây cũng có thông tư quy định về việc nhận quà…

Từ xưa ở nước ta có ông Đặng Huy Trứ đã có công ngồi soạn ra “Cẩm nang để khuyên răn các quan lại, món quà trong dịp nào giá trị bao nhiêu thì được nhận, món quà trị giá thế nào, hoàn cảnh nào thì dứt khoát không được nhận”. Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch thanh liêm bất kỳ thời nào cũng đều phải cảnh giác với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.

Lẽ nào chỉ có tỉnh nghèo vào loại nhất nước như Cao Bằng mới có chuyện tặng tiền cho chủ tịch tỉnh kiêm trưởng ban phòng chống tham nhũng, còn ở những nơi khác lại nằm ngoài “luật chơi”!? Rất mong trong cao trào toàn Đảng, toàn dân quyết liệt phòng chống tham nhũng, lập lại kỷ cương trong bộ máy nhà nước sẽ có thêm nhiều người làm gương, không những trả lại phong bì tiền tỷ mà còn kiên quyết lập biên bản. Phải tỏ thái độ thẳng thắn để cho thói dùng tiền bạc biếu xén không còn đất sống. Người dân tính sơ sơ số tiền chạy như vậy đủ để góp vào việc xây dựng nhiều trường học, nhà tình nghĩa, tình thương hoặc giúp cho những ca mổ làm sáng mắt cho hàng vạn bệnh nhân nghèo, tặng học bổng cho con em nghèo hiếu học…

Diệp Văn Sơn

Tin cùng chuyên mục