Ngày 22-7, chị Lý Tiểu Phụng (ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: “Bắt đầu từ hôm nay, gia đình sẽ nấu khoảng 60 suất cơm mỗi ngày để tặng những anh chị lái, phụ xe đường dài”.
Theo chị Phụng, chứng kiến mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại trên quốc lộ 20, nhưng nhiều người trên xe gặp khó khăn khi mua đồ ăn, nước uống do phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Sau đó, gia đình đã báo lên chính quyền địa phương để được hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho người trên xe và dưới đất.
Cơm sau khi nấu sẽ được bỏ vào hộp đặt ở bàn bên ngoài phía hàng rào của gia đình. Người trên xe xuống chỉ việc lấy những hộp cơm, chai nước, khăn lạnh rồi tiếp tục hành trình.
Những ngày qua, nhiều tài xế, phụ xe phản ánh tình trạng bị phân biệt, đối xử trong quá trình vận chuyển hàng hoá như không được vào cửa hàng mua đồ ăn, nước uống, thậm chí có trường hợp cửa hàng còn treo biển từ chối cho xe rau vào xịt, rửa xe khiến những người tham gia vận chuyển hàng hoá càng gặp nhiều khó khăn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 2.500 xe tải vận chuyển hàng hoá đường dài đi các địa phương. Để đảm bảo an toàn cho những lái, phụ xe, mới đây tỉnh Lâm Đồng bắt đầu tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những đối tượng này. Đợt này tỉnh dành 3.000 liều vaccine (trong tổng số 9.000 liều được Bộ Y tế phân bổ) để tiêm cho lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.
Nhóm đối tượng đang được đặc biệt quan tâm mỗi ngày tham gia vận chuyển hàng ngàn tấn rau, củ, quả cho TPHCM và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.