Quản lý giá thận trọng, hợp lý

Giải pháp quan trọng đầu tiên được nhấn mạnh trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Trong bối cảnh cơ chế tiền lương mới áp dụng từ ngày 1-7-2024, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát càng trở nên quan trọng, nhằm đảm bảo nguyên tắc người dân được thụ hưởng lợi ích từ chính sách mới.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2024, với mức 4%-4,5% là khả thi. Mặc dù sẽ còn biến động, nhưng lạm phát quốc tế đã có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực “lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam. Kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt trong năm 2023: lạm phát tháng 10 chỉ nhích rất nhẹ (0,08%) so với tháng trước và lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,2%, còn thấp so với ngưỡng Quốc hội cho phép là 4,5%, tạo dư địa cho công tác điều hành giá.

Nhưng, như nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, không thể chủ quan trong điều hành giá cả, bởi nhiều yếu tố thách thức vẫn còn đó. Bên cạnh các yếu tố khách quan từ bên ngoài, cộng với rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất lợi (do hiện tượng El-Nino), thì còn có tâm lý “lương tăng giá tăng” và áp lực lớn từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế ) sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023, sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024. Việc chấm dứt một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau năm 2023 (như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu) cũng khiến giá hàng hóa có thể tăng trở lại trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ đã xác định, để kiểm soát lạm phát thành công, Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, phải đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị trên thế giới… Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Cần chủ động tiết kiệm, đồng thời tăng cường sử dụng nguồn nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu để “giảm sốc” mỗi khi thị trường thế giới “r ung lắc”.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tới, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đi lại của xã hội tăng mạnh, vì thế các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Việc tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý cần tiến hành thận trọng; thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, tránh bị động trong phối hợp chính sách.

Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng, là tăng cường công tác truyền thông. Phải thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Cuối cùng, Chính phủ cần lường trước và sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời ngay khi có những tình huống bất thường.

Tin cùng chuyên mục