Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Chính sách quản lý về hoạt động in - những vướng mắc, bất cập và kiến nghị”. Tại hội thảo, nhiều vấn đề gây bức xúc trong quy định mới đã được nêu ra, qua đó cho thấy sự tréo ngoe trong công tác quản lý đối với một ngành đặc thù mang nhiều vai trò như ngành in.
Đầu tiên, theo quy định mới, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành in đã qua sử dụng đòi hỏi có quy định cụ thể về niên hạn. Điều này được coi là hợp lý nhằm tránh tình trạng nhập máy rác, quá cũ không giúp ích cho việc phát triển ngành in và gây hệ lụy. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ đơn vị đề ra quy định lại là Bộ KH-CN, đây là đơn vị có năng lực trong công tác kỹ thuật nhưng lại chưa nắm được đặc thù của hoạt động in nên đã có nhiều bất cập trong việc quy định niên hạn.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, lấy ví dụ: như máy chế bản, quy định niên hạn khá dài nhưng thực tế đây là thiết bị có giá trị thấp, việc nâng cấp, trang bị mới tương đối đơn giản nên hầu hết các đơn vị đều trang bị máy mới, niên hạn dài là không thực tế. Trong khi đó, ngược lại với máy đóng xén thủ công, đây là loại máy có thiết kế đơn giản, bền bỉ, dù là máy thập niên 50 - 60 chăng nữa thì vẫn dùng tốt mà không gây ảnh hưởng gì việc in ấn, việc giới hạn niên hạn của dòng thiết bị này sẽ gây tốn kém trong khi thiết bị cũ vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Việc quy định niên hạn theo năm cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Ông Dòng đưa ra một ví dụ là máy in của Đức chế tạo vào thập niên 80 - 90 giá đắt và dùng tốt hơn rất nhiều so với máy in do Trung Quốc sản xuất năm 2013 - 2014. Nếu cứ theo đúng quy định về niên hạn thì rõ ràng máy sản xuất mới sẽ được ưu tiên hơn trong khi với tất cả những ai làm nghề đều biết thực tế máy nào mới mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Về thủ tục cấp phép in, theo quy định mới cũng gây nhiều bức xúc như việc nhà in phải yêu cầu người in xuất trình CMND và nộp bản sao CMND kể cả trong hợp khách hàng chỉ cần in các loại giấy tờ cá nhân như danh thiếp, thiệp cưới, thiệp mời… Điều này rõ ràng là không cần thiết, gây phiền toái cho khách hàng in. Vấn đề rắc rối còn ở các khâu như khi thành lập doanh nghiệp in đòi hỏi các loại giấy tờ như giấy sở hữu thiết bị in, giấy chứng nhận có mặt bằng sản xuất ngoài khu dân cư, giấy tờ chứng minh là người Việt Nam… Các loại giấy tờ này bị coi là dư thừa như trường hợp bắt buộc phải có giấy chứng nhận sở hữu thiết bị trong khi trước đó đã phải hoàn tất rất nhiều thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu thiết bị, giấy chứng nhận mặt bằng cũng rất khó khăn khi phải tranh luận xem gần hay xa khu dân cư như thế nào, khu dân cư thực tế hay khu tự phát…
Trong chiến lược giảm bớt giấy phép con, đơn giản hóa trong công tác quản lý doanh nghiệp thì việc gia tăng nhiều loại giấy phép trong ngành in đang gây nhiều bức xúc. Đại diện ngành in đã đề xuất Chính phủ xem xét giảm bớt các quy định, giấy phép trong hoạt động in như việc thành lập cơ sở in chỉ cần các điều kiện như: chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam; người chịu trách nhiệm đại diện pháp luật phải là công dân Việt Nam; có ít nhất một người đã được đào tạo về ngành in trong ban giám đốc điều hành; có mặt bằng, cơ sở vật chất phù hợp cho hoạt động in. Việc quy định niên hạn nên để Bộ TT-TT phối hợp cùng Hiệp hội In đề ra các quy định trong việc nâng cao chất lượng ngành in với lộ trình cụ thể thay vì đột ngột thay đổi như hiện nay.
TƯỜNG VY