Hà Nội vừa ghi nhận bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A/H5N1 tại xã Phù Ninh (huyện Sóc Sơn). Trong khi đó, tình trạng gia cầm bày bán tràn lan, không kiểm dịch vẫn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, ngay tại khu chợ “cóc” nằm sát Cục Thú y (ngõ 78, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa) gia cầm không rõ nguồn gốc được bán vô tội vạ.
Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A/H5N1, thành phố Hà Nội đã ráo riết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ Y tế nhận định, virus H5N1 đã quay trở lại với sự tiến hóa nhanh và đều thuộc chủng độc lực cao, làm giảm độ nhạy của thuốc điều trị cúm. Do vậy Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không ăn thịt gia súc gia cầm mắc bệnh, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm để tránh bùng phát dịch cúm gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Thế nhưng, tại nhiều chợ trên địa bàn, gia cầm không kiểm dịch được bày bán tràn lan. Tệ hơn, các chốt kiểm dịch dường như cũng không hề thắt chặt việc kiểm dịch lượng gia cầm hàng ngày ùn ùn đổ vào thành phố. Thời điểm này, Hà Nội vẫn duy trì các chốt kiểm dịch, mỗi chốt trung bình có 2 nhân viên kiểm dịch trực 24/24 giờ, nhưng một số chốt kiểm dịch có cũng như không, những người buôn gia cầm có thể thoát qua các chốt này một cách dễ dàng.
Có thể thấy, tại siêu thị và những chợ lớn nằm trong khu vực nội đô gia cầm được kiểm dịch, nhưng số lượng đó rất nhỏ so với số gia cầm được bán ở hệ thống chợ cóc, bán rong và các chợ ngoại thành. Nhiều nơi, gà vịt được giết mổ ngay tại chợ, thậm chí ngay cả trên vỉa hè. Tại các chợ Thanh Xuân, Trương Định, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Láng... tình trạng bán gà, ngan, vịt làm sẵn không rõ nguồn gốc cũng bị buông lỏng. Hầu hết các mặt hàng thịt gia cầm ở đây đều không có dấu kiểm dịch.
Một cán bộ của Cục Thú y cho biết, rất khó để kiểm soát được hết số lượng gia cầm tiêu thụ mỗi ngày tại Hà Nội. Lý do là do cục có số lượng người hạn chế, thiếu đồng bộ giữa chính quyền sở tại và ban quản lý chợ... Rốt cuộc là người tiêu dùng luôn luôn sống trong hoang mang, lo lắng. Về phía người tiêu dùng cũng “tặc lưỡi” cho qua.
Chị Phạm Thị Yến, ngõ 74, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, cho biết: “Việc nhiễm cúm gia cầm đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng tôi chỉ thấy cơ quan quản lý ráo riết ngăn cấm khi phát hiện ra người nhiễm bệnh, còn sau đó thì sự việc lại rơi vào lãng quên. Theo tôi, cần phải có chiến dịch hướng dẫn người dân phòng bệnh ra sao, và quản lý số lượng gia cầm trên toàn thành phố như thế nào, chứ không thể để tình trạng gia cầm ngoài vòng kiểm soát như hiện nay”.
Các chuyên gia y tế đánh giá, khi ý thức phòng bệnh của người dân vẫn còn yếu kém thì dịch cúm A/H5N1 trên người có nguy cơ bùng phát trở lại. Nhưng cũng có một thực tế là cơ quan quản lý vẫn chưa “mạnh tay” với đối tượng buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, tình trạng buông lỏng quản lý vẫn diễn ra trên hầu hết các điểm mua bán gia cầm trên địa bàn Hà Nội.
HẢI ANH
Tin bài liên quan:
>> TP Hồ Chí Minh: Hội chẩn trường hợp dương tính cúm A/H5N1