Quản lý nguồn lực phòng chống HIV/AIDS: Cần một đầu mối

* Việc tập trung cai nghiện ma túy ở TPHCM đem lại hiệu quả cao

Cần thống nhất về một đầu mối là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị “Huy động, quản lý, điều phối các nguồn lực phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM” do Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM tổ chức hôm qua 23-5.

Báo cáo tại hội nghị, TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: Nguồn lực trong nước và tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM đã tăng dần trong những năm qua. Năm 2007, chưa kể các trang thiết bị và thuốc ARV, Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM (UBPC AIDS) đã tiếp nhận và quản lý trên 5,6 tỷ đồng (nguồn lực trong nước) và gần 3,7 triệu USD (tài trợ từ các tổ chức quốc tế).

Tại TPHCM, từ năm 1990, Thành ủy, UBND TPHCM đã xác lập mô hình UBPC AIDS để tập hợp tất cả các sở ngành, đoàn thể tham gia PC AIDS. Tất cả các dự án đều tập trung ở UBPC AIDS và cơ quan này có trách nhiệm điều phối nguồn nhân lực, ngân sách phù hợp theo nội dung, địa bàn đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn. Chính vì vậy, hầu hết các dự án của TPHCM đều được các tổ chức quốc tế hài lòng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: Từ điển hình này, sắp tới, Bộ Y tế sẽ xem xét và cân nhắc sáp nhập một số chương trình, dự án về một mối để quản lý và điều phối tốt hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng, nguồn lực chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với nhu cầu thì càng phải cân nhắc xem sử dụng nguồn lực đó. Điều quan trọng là đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, tập trung không dàn trải, điều phối thích hợp để dự án đạt hiệu quả cao. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Tài phân tích thêm về vấn đề này và minh chứng bằng việc sử dụng nguồn lực và hiệu quả của chương trình tập trung cai nghiện và hậu cai nghiện mà hiện nay nhiều đại biểu Quốc hội cho là lãng phí rất lớn khi phải sử dụng 1.200 tỷ đồng/năm, quan điểm của TPHCM về vấn đề này là hoàn toàn không lãng phí. Chúng ta đã sử dụng nguồn lực đúng chỗ và được hiệu quả cao về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Với chương trình này, chúng ta đã cứu được hàng ngàn người ra khỏi vũng lầy của ma túy, giúp cho hàng trăm ngàn người tránh được nguy cơ nghiện hút ma túy vì nếu để một người nghiện ngoài cộng đồng thì sẽ kéo theo 3-4 người khác nghiện, số người nghiện sẽ nhân theo cấp số nhân. Đây cũng chính là vấn đề đau đầu của công tác phòng chống AIDS khi nhóm nguy cơ cao của HIV/AIDS chính là nhóm chích ma túy. Ngăn ngừa được nhóm nguy cơ là ta đã ngăn ngừa được đại dịch AIDS bùng phát. Không chỉ thế, với chương trình này, tình hình an ninh trật tự của TP đã được đảm bảo tốt hơn, môi trường đầu tư vì thế cũng thu hút hơn. Với ý nghĩa xã hội như thế, không con số nào có thể so sánh được. 

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục