Quan ngại yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Ngày 7-12, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 về Đại dương và Luật Biển diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, gần 50 quốc gia và nhóm nước đã đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Theo TTXVN, liên quan đến Biển Đông, các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia và Philippines bày tỏ quan ngại về các yêu sách chủ quyền hoặc các vùng biển có phạm vi quá rộng và trái pháp luật tại Biển Đông; các sự cố, hành vi cản trở hoạt động khai thác dầu khí bình thường của các nước, bao gồm sử dụng tàu hải cảnh nhằm cưỡng chế.

Các nước nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, các yêu sách về các vùng biển cần phải được xác lập phù hợp với UNCLOS, các bên liên quan có nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với UNCLOS, trong đó có các cơ chế tài phán, bảo đảm các quy định, chính sách nội bộ quốc gia phải phù hợp với UNCLOS, đồng thời tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague về vấn đề Biển Đông năm 2016.  

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. 

Tin cùng chuyên mục