Quảng bá, bảo tồn di sản của Gustave Eiffel

Năm 2023 đánh dấu 100 năm ngày mất của Gustave Eiffel. Tên tuổi của vị kiến trúc sư người Pháp được lưu danh hậu thế với những công trình đồ sộ trở thành biểu tượng như tháp Eiffel (Pháp), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ). Hiệp hội Hậu duệ của Gustave Eiffel (gọi tắt là Hiệp hội) là nơi quảng bá hình ảnh cũng như bảo vệ tên tuổi và các công trình mà Eiffel xây dựng.
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp

Bà Myriam Larnaudie-Eiffel, cháu đời thứ năm của Gustave Eiffel, hiện giữ chức chủ tịch Hiệp hội, cho biết, anh trai bà là ông Xavier Larnaudie-Eiffel đã lập ra tổ chức này vào năm 1995. Hiệp hội hiện có 70 thành viên, là con cháu của Eiffel, thực hiện nhiều nhiệm vụ. Một trong số đó là tìm cách hiểu sâu, có thêm kiến thức về Eiffel. Kiến trúc sư người Pháp có lẽ là một trong những tên tuổi được biết đến nhiều nhất thế giới nhờ vào tháp Eiffel. Tuy nhiên, đằng sau cái tên đó, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, xung quanh những việc ông đã làm cũng như trình độ mà ông đã đạt được để có thể thực hiện những công trình. Do đó, thông qua một ban khoa học, Hiệp hội có thể tiếp cận các kiến thức phong phú hơn từ nhiều người, các nhà khoa học, nhà lịch sử. Từ đó, có thể giúp Hiệp hội bảo vệ, bảo tồn những di sản của Eiffel.

Theo bà Myriam, việc bảo tồn các công trình của kiến trúc sư người Pháp nhiều khi giống như cuộc chiến phòng thủ, bảo vệ hình ảnh. Bởi đôi khi, chúng bị đe dọa phá hủy như trường hợp của cầu Saint-Jean ở Bordeaux. Không chỉ với tháp Eiffel, các công trình của kiến trúc sư Eiffel đã vượt ra ngoài lãnh thổ Pháp, như tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, cầu Maria Pia ở Bồ Đào Nha, nhà ga xe lửa ở Budapest, Hungary, các công trình cầu đường ở châu Mỹ La tinh hay ở Đông Dương. Với tính quốc tế trong di sản của Eiffel như vậy, hiệp hội đã gặp phải không ít khó khăn, trong đó có vấn đề về thiếu tư liệu. Ngay cả khi gia đình của Eiffel nắm giữ các tư liệu về đơn hàng trong các xưởng của ông, cũng không vì thế mà có thể làm sáng tỏ tất cả các bí ẩn về những công trình của Eiffel.

Hiệp hội liên tục phải làm những việc như phân biệt thật giả một cách trung thực nhất. Mục đích là để xác định công trình thực sự của Eiffel, đồng thời có thêm kiến thức về phong cách thiết kế có hơi hướng kiểu Eiffel nhưng không gắn tên của ông. Ví dụ, bà Myriam đã từng gặp một nhà sử học, nghiên cứu về hải đăng trên thế giới ở Estonia và cùng khám phá lại công trình của Eiffel ở quốc gia này. Sau thời gian nghiên cứu, họ đã xác định rằng những ngọn hải đăng này là do Eiffel xây dựng, nhưng sử dụng một cái tên khác trong tệp đơn đặt hàng…

Ngày 27-12 là tròn 100 năm ngày mất của Gustave Eiffel. Nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm dự kiến được diễn ra tại nhiều nơi ở Pháp như tháp Eiffel, Đài quan sát thiên văn ở Nice… Trong khi đó, ở nước ngoài, Hiệp hội đã lựa chọn tổ chức sự kiện ở Budapest, Hungary, nơi có công trình nhà ga xe lửa do Eiffel thiết kế đã được trùng tu và bảo tồn rất tốt. Tại Mỹ, Hiệp hội sẽ phối hợp với Viện Bảo tàng Smithsonian Institution tổ chức sự kiện cho phép khám phá về Eiffel trong ngành hàng không và những nghiên cứu của ông với Louis Blériot, tượng Nữ thần Tự do…

Tin cùng chuyên mục