Quảng cáo trên xe buýt: Mũi tên trúng nhiều đích

Bước đầu thí điểm
Quảng cáo trên xe buýt: Mũi tên trúng nhiều đích

Trải qua gần nửa năm triển khai thực hiện thí điểm tại TPHCM, việc quảng cáo trên xe buýt đang cho thấy nhiều điểm tích cực và bước đầu được dư luận xã hội đồng tình.

Bước đầu thí điểm

Ngày 21-10-2015, UBND TPHCM đã ra Quyết định số 5348/QĐ-UBND, cho phép thực hiện thí điểm trong một năm đề án với tên gọi “Thí điểm quảng cáo trên phương tiện giao thông xe buýt trên địa bàn”.

Sau khi chính quyền thành phố bật đèn xanh, một cuộc đấu giá đã được Trung tâm đấu giá thuộc Sở Tư pháp tổ chức để chọn đơn vị được quyền khai thác quảng cáo thương mại trên thân xe buýt trên toàn địa bàn thành phố. Đơn vị trúng thầu là một tên tuổi khá nặng ký, Công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam (gọi tắt là Koa-Sha Việt Nam). Koa-Sha Việt Nam là thành viên của tập đoàn Koa-Sha quốc tế có trụ sở tại Nhật Bản.

Quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Koa-Sha Việt Nam và Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQLĐH VTHKCC) TPHCM thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký kết hợp đồng thực hiện thí điểm quyền thuê quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2017. Đó là các tuyến xe buýt số 1 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn, tuyến số 11 chợ Bến Thành - Công viên Đầm Sen, tuyến số 27 Bến Thành - Âu Cơ - Bến xe An Sương, tuyến số 28 Bến Thành - chợ Xuân Thới Thượng, tuyến số 31 Khu dân cư Tân Quy - Bến xe miền Đông, tuyến số 36 Bến Thành - Thới An, tuyến số 39 Bến Thành - Bến xe miền Tây… Tổng cộng có 171 xe buýt tham gia vào chương trình quảng cáo.

Trong khi đó, tính đến tháng 9 vừa qua, Công ty Koa-Sha Việt Nam đã ký kết được với 27 công ty, thương hiệu có nhu cầu quảng cáo trên thân xe buýt trong chương trình thí điểm. Trong số này, có 12 doanh nghiệp/thương hiệu Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với 44%, tiêu biểu như Pinaco, MobiFone, Mobile Money, Reetech, Vietnam Mobile... Đứng thứ nhì với tỷ lệ 33% là 9 công ty Nhật Bản như Toshiba, Rohto, FamilyMart, Brother…; còn lại là 6 thương hiệu/doanh nghiệp của các quốc gia khác, tiêu biểu như các nhãn hàng Coca Cola, Unilever, Bayer, Dutch Lady…

Trên nguyên tắc, nội dung quảng cáo tùy thuộc nhu cầu của từng khách hàng - doanh nghiệp, thế nhưng với định hướng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, Koa-Sha Việt Nam và TTQLĐH VTHKCC cũng có một thỏa thuận phối hợp tuyên truyền cổ động khác. Đến nay, sau hơn 5 tháng đầu tiên thực hiện quảng cáo trên thân xe buýt, đã có hai chiến dịch tuyên truyền, cổ động được triển khai. Đó là chiến dịch triển khai trên tuyến xe buýt mã số 86 Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng suốt từ tháng 5-2016 đến nay nhằm cổ động người dân tham gia xe buýt với thông điệp “Hãy sử dụng xe buýt vì lợi ích cá nhân và cộng đồng: Tiết kiệm, An toàn và Lợi ích”. Chiến dịch kia là cổ động người dân đi bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với thông điệp “Ngày hội non sông - Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng”. Chiến dịch này được chọn lọc thực hiện trên 5 xe buýt chạy tuyến số 1 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn và 3 xe buýt chạy tuyến 86 Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng.

Hiệu ứng tích cực

Nhận xét sơ bộ về gần nửa năm đầu tiên thực hiện quảng cáo thương mại trên thân xe buýt, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, phụ trách mảng vận tải, nói rằng kết quả đạt được là tích cực và trên tổng thể mang lại lợi ích chung thiết thực cho nhiều phía.

Từ lâu và theo ý kiến của không ít chuyên gia, quảng cáo thương mại trên thân xe buýt nếu được triển khai, sẽ là một “kênh” tạo doanh thu cho Nhà nước để bổ sung cho phần ngân sách dùng trợ giá xe buýt. Đó là vấn đề rất rõ ràng và được đặt ra từ cách đây rất nhiều năm nhưng đáng tiếc không được phép thực hiện trên địa bàn thành phố chủ yếu lấn cấn giữa việc tạo thêm nguồn thu ngân sách cho trợ giá xe buýt và nỗi lo làm ảnh hưởng đến hình ảnh mỹ quan đô thị vì quảng cáo sản phẩm trên phương tiện giao thông công cộng. Trên thực tế, dù chỉ mới thực hiện thí điểm trên 10 tuyến xe buýt và thời gian thực hiện thí điểm cũng chỉ 1 năm, nhưng đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 14 tỷ đồng từ việc đấu thầu chọn đơn vị khai thác quảng cáo thí điểm trên thân xe buýt.

Còn cảm nhận về phía người dân thì sao? Hồi tháng 8 vừa qua, Công ty Koa-Sha Việt Nam đã thực hiện cuộc khảo sát nhằm lấy ý kiến phản hồi của người dân thành phố lẫn các đối tác khách hàng sử dụng dịch vụ quảng cáo trên thân xe buýt. Nhìn chung đều là những phản hồi tích cực. Những người dân - hành khách được lấy ý kiến đều cho rằng các quảng cáo trên thân xe buýt cách nào đó đã giúp cải thiện hình ảnh xe buýt nhờ những màu sắc sinh động, phù hợp với văn hóa đô thị và thu hút sự quan tâm của người dân về việc sử dụng xe buýt.

Chương trình quảng cáo trên xe buýt được triển khai vào tháng 4, trùng vào thời điểm nắng nóng oi bức vì thế các phần diện tích dành cho quảng cáo vốn dĩ là những miếng decal lưới dán trên mặt kính xe vô hình trung góp phần che chắn ánh nắng, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách ngồi bên trong xe buýt. Ưu điểm của những miếng dán quảng cáo chất liệu decal lưới này là có đặc tính lọt sáng một chiều, do đó trong khi góp phần che nắng thì vẫn đảm bảo khả năng quan sát hợp lý của hành khách từ trong xe nhìn ra bên ngoài.

Từ những thành quả bước đầu này, sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, cấp thẩm quyền thành phố cho triển khai mở rộng quảng cáo thương mại trên tất cả các tuyến xe buýt khác trên địa bàn thành phố, kể cả tuyến có trợ giá lẫn tuyến không có trợ giá.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục