Quảng Nam lúng túng tinh giản biên chế

Quảng Nam hiện có 3.344 công chức và trên 33.000 viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh. 

Theo tinh thần Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương VI, cũng như Chương trình Hành động của Tỉnh ủy, đến năm 2021, tổng số công chức, viên chức toàn tỉnh sẽ giảm còn khoảng 32.500. Tuy nhiên, đến nay việc sáp nhập, tinh giản của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn chậm chạp.

Quảng Nam lúng túng tinh giản biên chế ảnh 1 Ngành y tế của các địa phương trong tỉnh Quảng Nam sẽ được sắp xếp lại
 Chờ tỉnh hướng dẫn

Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết đề án sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị nhà nước đã được thị xã gửi UBND tỉnh từ tháng 7-2018 và đang chờ phê duyệt. Hiện, Điện Bàn có 12 cơ quan chuyên môn hành chính, 9 đơn vị sự nghiệp, 10 hội đặc thù cấp thị xã, 70 trường học, 20 xã/phường, 137 hội cấp xã và 182 thôn, khối phố. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hơn 4.500 người.

Theo đề án, trước mắt thị xã sẽ tập trung sắp xếp lại 9 đơn vị sự nghiệp, tiếp đến là các hội đặc thù cấp thị xã. Cùng với đó, sẽ tập trung vào khối trường học, cụ thể là khối trường cấp 1, những trường nào dưới 30 lớp phải sáp nhập lại. Dự kiến sẽ có 10 trường được sáp nhập thành 5 trường.

Nếu đề án được tỉnh phê duyệt thông qua sớm, từ quý 4 năm nay, thị xã Điện Bàn bắt đầu sáp nhập 4 đơn vị gồm: Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Giải phóng mặt bằng để thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng thị xã; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh - Truyền hình thị xã; giải thể Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thương mại và dịch vụ, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của trung tâm cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Giai đoạn 2019 - 2021 sẽ tiếp tục sáp nhập các tổ chức hội đặc thù từ 10 hội xuống còn 3 hội; sáp nhập các thôn, khối phố không đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Nội vụ từ 182 xuống còn 151 thôn, khối phố.

Tương tự, tại thành phố Hội An hiện chính quyền cũng đang nỗ lực giảm tải sự cồng kềnh của bộ máy hành chính…

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, từ ngày 30-6, thành phố đã giải thể Phòng Thương mại và Du lịch, nhập nhân sự vào 2 đơn vị là Phòng Văn hóa Thông tin và Phòng Kinh tế thành phố.

“Hội An sẽ tiến hành nhập Trung tâm Văn hóa Thông tin với Đài Truyền thanh; Trung tâm Phát triển quỹ đất với Ban Quản lý dự án các công trình thành phố; một số đơn vị khác đang làm như: Ban Tổ chức Thành ủy với Phòng Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra nhà nước. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan xây dựng phương án góp ý xong thì báo cáo cho Thường vụ. Sau khi chờ tỉnh phê duyệt, sẽ tổ chức sáp nhập các cơ quan liên quan”, ông Dũng nói. 

Khó giải quyết lao động dôi dư

Một vấn đề khiến nhiều địa phương “đau đầu” chính là giải quyết vấn đề lao động dôi dư sau khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy quản lý.

Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thừa nhận, khó khăn nhất trong việc sáp nhập chính là giải quyết lực lượng lao động dôi dư tại các cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng. Không ít hợp đồng đã trên 10 năm vẫn chưa biết xử lý ra sao. Hiện Duy Xuyên có 111 biên chế hành chính, tuy vậy theo đề án vị trí việc làm của tỉnh phê duyệt đến năm 2021 địa phương còn 99 biên chế. 

Theo “Đề án tinh giản biên chế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2021” vừa được trình thông qua tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh tháng 7-2018, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 3.344 biên chế công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh (giảm 265 biên chế so với chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao năm 2015). Căn cứ thẩm định của Bộ Nội vụ, để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% so với biên chế HĐND tỉnh phê duyệt thì biên chế viên chức của tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2021 phải giảm ít nhất hơn 2.600 người, đến năm 2021 giảm còn hơn 30.500 người, tương ứng bình quân mỗi năm giảm 650 người.

Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để giải quyết vấn đề lao động dư thừa, ngoài khuyến khích một số cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm, thị xã cũng đã vận động doanh nghiệp tiếp nhận một phần cán bộ dôi dư ra. Dù vậy, về lâu dài, thị xã sẽ gặp khó khăn do chỉ tiêu biên chế tỉnh giao địa phương quá ít.

“Điện Bàn có 235.000 dân, địa bàn rộng, khối lượng công việc nhiều, nhưng chỉ có 125 biên chế công chức, nên trong các huyện, thành phố của tỉnh, số viên chức Điện Bàn hợp đồng nhiều nhất. Đơn cử, việc sáp nhập trường, mình có thể xử lý bằng cách đưa hiệu trưởng xuống làm hiệu phó, hiệu phó xuống làm giáo viên nhưng các chức danh như kế toán, thư viện, văn thư, thủ quỹ…  không biết đi đâu, nên chắc chắn sẽ có những tiêu chí được đưa ra hoặc thăm dò, giáo viên tự đánh giá...”, ông Úc phân tích.

Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, khẳng định, tỉnh sẽ dành một nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ những người tự nguyện xin về hưu trước tuổi. Đặc biệt, từ nay trở đi, các cơ quan, địa phương sẽ không ký thêm lao động hợp đồng ngắn hạn nữa. Điều này khắc phục được tình trạng ký hợp đồng lao động tràn lan ở các cơ quan, địa phương thời gian qua, dẫn đến việc thừa nhân lực như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục